Đi cùng với kỳ vọng về dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán khi được nâng hạng thì nội tại thị trường vẫn còn nhiều bài toán cần giải quyết, đặc biệt là câu chuyện chất và lượng hàng hoá trên sàn.
Cụm từ “nâng hạng” đã được nhắc đi nhắc lại với tần suất liên tục, đặc biệt sau khi Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 của Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể về việc phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Nhiều thông tư, quy định đã được ban hành nhằm đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn đến các yêu cầu của tổ chức xếp hạng.
UBCKNN đã tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, quyết liệt triển khai các giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí nâng hạng. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC vào ngày 18/9/2024, đưa ra các sửa đổi đối với nhiều quy định. Thông tư này loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước đối với nhà đầu tư quốc tế, bằng cách cập nhật các quy định về giao dịch chứng khoán, thanh toán bù trừ giao dịch, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin.
Trước thềm nâng hạng thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có làn sóng niêm yết mới nhằm đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch, chuẩn bị cho dòng tiền lớn dự kiến sẽ đổ vào trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo số liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính tới cuối quý III, có 1.589 doanh nghiệp trên sàn (giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2023) bao gồm 394 đơn vị niêm yết HOSE, 311 doanh nghiệp niêm yết HNX và 884 công ty giao dịch trên UPCoM.
Trong đó chỉ có 100 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa trên 10.000 tỷ ở ba sàn. Hơn 580 doanh nghiệp có giá cổ phiếu dưới 10.000 đồng/cp, trên 240 đơn vị có giá cổ phiếu dưới 5.000 đồng/cp.
Lượng hàng hoá được bổ sung trên sàn đã ít ỏi song "chất" của hàng hoá càng đáng lưu tâm hơn. Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Vietnam chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay bất động sản nửa cuối năm?", cho rằng không nên đặt quá nhiều sự quan tâm vào việc nâng hạng thị trường mà cần chú ý đến chất lượng của hàng hóa và sản phẩm tài chính trong thời gian tới. Đó sẽ là những điều chúng ta cần làm tốt hơn.
Bài toán thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết, gia tăng hàng hóa chất lượng trên thị trường chứng khoán trở nên cấp thiết. Đặc biệt đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang gấp rút hoàn thiện các tiêu chí để nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn nhận vào chất lượng cổ phiếu để quyết định xuống tiền.
Để nâng cao chất lượng hàng hóa trên sàn, nhóm phân tích Yuanta Việt Nam đưa ra một số đề xuất.
Thứ nhất, các doanh nghiệp đang niêm yết cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn. Việt Nam sắp tới sẽ sáp nhập ba sàn chứng khoán thành một, khả năng cao sẽ lấy tiêu chuẩn của HoSE làm chuẩn, điều này sẽ giúp sàng lọc những cổ phiếu chất lượng cao về một sàn duy nhất, từ đó nâng cao chất lượng niêm yết.
Thứ hai, cần gia tăng sự hiện diện của các ngành lớn đang thiếu vắng trên sàn chứng khoán. Hiện nay, hai nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngân hàng và bất động sản, trong khi các lĩnh vực như năng lượng, viễn thông và công nghệ lại thiếu vắng những gương mặt tiêu biểu. Các lĩnh vực này chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa. Việc đẩy mạnh cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp nhà nước trong những lĩnh vực này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Thứ tư, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường cần được thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hoá hơn. Hiện tại, tỷ trọng của nhà đầu tư cá nhân chiếm phần lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm khoảng 15 - 17%, thấp hơn rất nhiều so với các thị trường khác trong khu vực. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào nhà đầu tư cá nhân và tạo ra tính đầu cơ cao trên thị trường, gây khó khăn cho việc huy động vốn của doanh nghiệp.
Minh An (t/h)