Thanh Hóa: Nhiều điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội
Địa Phương

Những tháng cuối năm là thời điểm các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tập trung nhân lực, vật lực, tăng tốc về đích theo kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đã đề ra. Với tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được thành công trên tất cả các lĩnh vực, bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng nổi bật.

Dưới sự lãnh đạo quyết liệt và linh hoạt của chính quyền địa phương, tỉnh Thanh Hoá đã chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể trong 10 tháng qua, trở thành một trong những địa phương có sức hút đầu tư mạnh mẽ nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Thanh Hóa: Nhiều điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội- Ảnh 1.

Trong đó, sản xuất công nghiệp luôn là một trong những mảng chủ lực của kinh tế Thanh Hóa, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Thanh Hoá đã tăng 19,6% so với cùng kỳ, tháng 10 tăng 23,43% so với cùng kỳ; đa số các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ, trong đó nhiều sản phẩm tăng cao như: dầu nhiên liệu, sắt thép các loại, quần áo may sẵn...

Hoạt động thương mại dịch vụ duy trì ổn định và thông suốt, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tháng 10 ước đạt 17.214 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ.

Thanh Hóa: Nhiều điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội- Ảnh 2.

Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả cao, tháng 10 thu ước đạt 4.140 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 48,9%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.580 tỷ đồng, tăng 4,0%. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 20/10/2024, giá trị giải ngân đạt 9.206,6 tỷ đồng, bằng 65,2% kế hoạch, cao hơn 10,1% so với cùng kỳ...

Tổng thu nộp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp đạt hơn 11.225 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau những khó khăn của đại dịch và biến động kinh tế toàn cầu. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như quần áo may sẵn, giày thể thao, và dầu nhiên liệu đều ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, sức khoẻ ngành sản xuất đang dần được cải thiện, giúp doanh nghiệp có nhiều đơn hàng hơn vào thời điểm cuối năm và đến quý 1 năm sau.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 145.409 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Các hoạt động thương mại nội địa diễn ra sôi động, hàng hóa dồi dào, và không có tình trạng khan hiếm hay găm hàng. Việc kiểm soát thị trường và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái cũng được đẩy mạnh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Du lịch, một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của Thanh Hóa, đã ghi nhận bước tiến vượt bậc. Tổng lượng khách du lịch trong 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 14,4 triệu lượt, vượt 47% kế hoạch và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ du lịch đạt 31.935 tỷ đồng, tăng 39,2%, nhờ vào việc tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn tại tỉnh, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí như Công viên nước Sun World Sầm Sơn và Flamingo Ibiza Hải Tiến. Đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

Thanh Hóa: Nhiều điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội- Ảnh 3.

Ông Bùi Duy Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Duy Tiến, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: Mục tiêu năm nay chúng tôi phấn đấu tăng trưởng khoảng 10% so với năm ngoái. Từ đầu quý 4 đến nay, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cũng rất sôi động do liên tục nhận được các đơn hàng mới. 

Chúng tôi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp dây chuyền, máy móc sản xuất nên sản phẩm có chất lượng tốt hơn, tăng cường hoạt động kết nối cung cầu, thị trường khách hàng nhờ đó cũng được mở rộng. Tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động.

Nhờ việc linh hoạt xoay chuyển theo diễn biến thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và tập trung hơn cho nâng cao chất lượng sản phẩm, đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã ký kết được các đơn hàng đảm bảo sản xuất cả năm, một số ngành như dệt may, da giày đã có đơn hàng cho quý 1/2025. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh 2024.

Ông Nguyễn Trung Đức, Giám đốc nhà máy sản xuất công ty cổ phần may B85, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: Lượng đơn hàng nhiều, chúng tôi đã đẩy mạnh hoạt động tối đa công suất, phân vùng khách hàng, tiết giảm chi phí thường xuyên nhằm đảm bảo hiệu suất kinh doanh cao nhất. Đồng thời, công ty cũng đầu tư thêm trang thiết bị nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm giữ vững khách hàng, thị trường, năm nay công ty phấn đấu tăng trưởng từ 15 – 20% so với năm ngoái.

Với những kết quả ấn tượng trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thu ngân sách và thu hút đầu tư, tỉnh Thanh Hoá đã khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ. Những tháng cuối năm, với chiến lược phát triển bền vững và sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, Thanh Hóa sẽ nỗ lực đạt được những thành công lớn hơn, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Yến Hoàng