Tháng 10 biến động: Khối ngoại bán ròng 7.500 tỷ, tự doanh tranh thủ gom hàng
Chứng Khoán

Thị trường chứng khoán tháng 10 chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ giữa hoạt động của khối ngoại và khối tự doanh. Trong khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng, khối tự doanh lại tích cực mua vào.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tháng 10 đầy biến động, với áp lực chốt lời liên tục gia tăng sau khi VN-Index chạm mốc 1.300 điểm. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm gần 50 điểm, xuống mức thấp nhất là 1.251 điểm vào cuối tháng.

Trong bối cảnh đó, khối ngoại và khối tự doanh đã có những động thái trái chiều.

Khối ngoại đẩy mạnh “xả hàng”

Theo thống kê của Vietcap, giá trị mua vào của khối ngoại trong tháng 10 đạt hơn 2.154 tỷ đồng, trong khi giá trị bán ra đạt 9.614 tỷ đồng. Tính chung, khối ngoại bán ròng 7.460 tỷ đồng trong tháng vừa qua. Danh sách các mã cổ phiếu bị bán ra nhiều nhất bao gồm VIB, MSN, HDB, SHS, BID, MSB, KBC, VHM, VRE và DGC.

Đáng chú ý, cổ phiếu VIB đứng đầu danh sách với tổng giá trị bán ròng lên tới 5.626 tỷ đồng, chiếm 58,5% tổng giá trị bán của khối ngoại. Giao dịch này chủ yếu được thực hiện trong phiên giao dịch thỏa thuận vào ngày 29/10, khi cổ phiếu VIB đóng cửa ở mức 18.750 đồng/cổ phiếu, tăng 2,74% so với giá tham chiếu.

Cùng chiều, bà Lê Thị Huệ, chị dâu ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Quốc tế VIB đã bán ra 2,6 triệu cổ phiếu trong phiên 31/10. Tuy nhiên, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã loại bỏ đối với giao dịch này với lý do bà Huệ không công bố thông tin, không báo cáo trước khi giao dịch.

Theo sau VIB, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan là mã bị khối ngoại bán ra nhiều thứ hai trong tháng, với tổng giá trị hơn 1.241 tỷ đồng. Trong tháng 10, cổ phiếu MSN đã có một giai đoạn tăng gần 10%, đạt đỉnh ở mức 82.400 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng. Tuy nhiên, chỉ sau hai tuần, giá cổ phiếu lại giảm xuống 74.000 đồng/cổ phiếu.

Trong một diễn biến đáng chú ý, SK Group thông qua SK Investment Vina I, đã chuyển nhượng 76 triệu cổ phiếu MSN bằng phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SK Group tại Masan giảm về 3,67% và không còn là cổ đông lớn. Masan không tiết lộ bên mua mà cho biết giao dịch trên được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư tổ chức lớn "với tầm nhìn dài hạn" có trụ sở tại châu Á, châu Âu và Mỹ.

Về hoạt động kinh doanh, Masan báo lãi 701 tỷ đồng trong quý III, gần gấp 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 130% kế hoạch lợi nhuận. Dự báo kết quả kinh doanh của Masan trong cả năm, Vietcap ước tính tổng doanh thu thuần của doanh nghiệp sẽ đạt 85.185 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.609 tỷ đồng.

Ở chiều mua, danh sách top 10 cổ phiếu được mua vào bao gồm TCB, EIB, ACV, CTD, TPB, NTL, BMP, BAF, PDR và HAH.

Tự doanh “ôm” cổ phiếu EIB

Trái ngược với khối ngoại, tự doanh lại tích cực “gom hàng” trong tháng 10. Theo đó, giá trị mua vào của khối này đạt 2.978,78 tỷ đồng, trong khi giá trị bán ra đạt 803,14 tỷ đồng. Tính chung, khối tự doanh đã mua ròng hơn 2.175 tỷ đồng trong tháng 10. Top 10 cổ phiếu được mua vào gồm có: EIB, VIB, BSR, MWG, SHS, BWE, HAH, STB, VPB và FUEVFVND.

Trong đó, cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam dẫn đầu với giá trị mua vào đạt 538 tỷ đồng. Trong giai đoạn 14/10-24/20, mã này đã ghi nhận mức tăng gần 24%, qua đó trở thành cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất trong tháng.

Cũng trong tháng 10, Eximbank đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Eximbank lên 4,51% sau khi mua vào 78,79 triệu cổ phiếu.

Về hoạt động kinh doanh, kết thúc quý III/2024, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 904 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với quý III/2023.

Mặc dù kết quả kinh doanh có nhiều điểm tích cực, tuy nhiên chất lượng nợ vay của nhà băng này lại khá đáng lo ngại. Tính đến cuối quý III/2024, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 159.483 tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 62%, tương đương 99.900 tỷ đồng.

Ở chiều lại, danh sách top 10 cổ phiếu bị khối tự doanh bán ra bao gồm SAF, VIX, TCB, NTL, FUEKIV30, ACB, TPB, FPT, MSB và GVR. Trong đó, cổ phiếu SAF của CTCP Lương thực Thực phẩm Safoco bị bán ra nhiều nhất với giá trị lên tới 140 tỷ đồng.