Thái Bình: Khẩn trương di dời dân tránh lũ những vùng đê xung yếu.
Địa Phương

Cả hệ thống chính trị của tỉnh Thái Bình vào cuộc quyết liệt, lực lượng an ninh, quốc phòng được huy động tối đa quyết tâm đẩy lùi mối nguy hại từ thiên nhiên, giúp dân vững vàng trong bão, lũ.

Thái Bình: Khẩn trương di dời dân tránh lũ những vùng đê xung yếu.

Các lực lượng khẩn trương tham gia công tác phòng chống lũ

Mực nước trên các sông khu vực tỉnh Thái Bình đang lên nhanh. Mực nước lúc 13h ngày 11/9 tại trạm Quyết Chiến (sông Trà Lý): 5,52m (cao hơn báo động III: 1,62m), trạm Thái Bình (sông Trà Lý): 4,14m (cao hơn báo động III: 0,64m); tại trạm Tiến Đức (sông Hồng): 6,69m (cao hơn báo động III: 0,39m); tại trạm Triều Dương (sông Luộc): 6,50m (cao hơn báo động III: 0,40m).

Thái Bình: Khẩn trương di dời dân tránh lũ những vùng đê xung yếu.- Ảnh 1.

Trước diễn biến mưa lớn kết hợp lũ trên các sông lên cao, uy hiếp an toàn cho một số địa điểm xung yếu, tỉnh Thái Bình đang khẩn trương di dân ở những vùng bờ bao, đê bối đến nơi an toàn, huy động tối đa lực lượng phương tiện, vật tư gấp rút gia cố một số tuyến đê xung yếu, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của mưa lũ đến sản xuất, sinh hoạt cũng như bảo đảm an toàn hệ thống đê điều.

Thái Bình: Khẩn trương di dời dân tránh lũ những vùng đê xung yếu.- Ảnh 2.

Sáng ngày 11/9, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương thành lập sở chỉ huy tiền phương trên các triền đê để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với lũ gồm 18 sở chỉ huy tiền phương tại 8 huyện, thành phố, gồm: Hưng Hà: 3, Kiến Xương: 2, Đông Hưng: 1, Thành phố: 1, Quỳnh Phụ: 4, Thái Thụy: 3, Tiền Hải: 2, Vũ Thư: 2.

Các sở chỉ huy tiền phương có nhiệm vụ kiểm tra, chỉ đạo công tác tuần tra canh gác đê điều nghiêm ngặt liên tục ngày đêm, kịp thời phát hiện các sự cố đê điều sớm ngay từ giờ đầu; đồng thời huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" sớm nhất không để diễn biến phức tạp khó xử lý dẫn đến vỡ đê.

Thái Bình: Khẩn trương di dời dân tránh lũ những vùng đê xung yếu.- Ảnh 3.

Ghi nhận của PV vào trưa ngày hôm nay tại các điểm có đê xung yếu, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Công an, Bộ đội được triển khai hỗ trợ đảm bảo an toàn cho đê, giúp những hộ dân sinh sống gần khu vực xung yếu di dời tài sản, người, phương tiện ra vùng an toàn. Mặc dù trời mưa rất to, nhưng các lực lượng chức năng không quản gian lao, nguy hiểm ứng trực liên tục để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Tại điểm đê xung yếu xã Bách Thuận (Vũ Thư), theo ghi nhận của PV, hàng trăm người bao gồm cả lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân đang làm việc hối hả để đảm bảo an toàn cho đê. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, hơn 200m3 cát đã được đóng bao, vận chuyển lên bề mặt đê ngăn dòng nước lớn đang tràn qua đê bối. Đến 16h cùng ngày công việc này vẫn đang tiếp diễn.

Thái Bình: Khẩn trương di dời dân tránh lũ những vùng đê xung yếu.- Ảnh 4.

Cùng ngày, BCH PCTT & TKCN tỉnh Thái Bình ra công văn hoả tốc Số: 89 /BCH-PCTT. Nội dung công văn nêu rõ: Hiện nay mực nước các trạm trên hệ thống sông tỉnh Thái Bình đang ở mức rất cao, và sẽ còn tiếp tục lên, diễn biến hết sức phức tạp. Ngoài ra, mưa lớn kéo dài làm cho tính chất cơ lý của đất đắp đê bị suy giảm. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình đê điều, BCH PCTT & TKCN tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai các nội dung sau:

Tăng cường công tác tuần tra, canh gác đê theo cấp báo động đúng quy định. Nghiêm cấm các lực lượng bỏ vị trí, triển khai ngay các lực lượng sở chỉ huy tiền phương đã thành lập. Kiểm tra, rà soát, tăng cường lực lượng canh coi ở tất cả các vị trí có chân đê là đầm ao, ruộng trũng, trọng điểm xung yếu, các vị trí bãi sông hẹp, mái kẻ là mái đê. Chủ động gia cố chân đê ở vị trí chân đê là đầm ao, ruộng trũng bằng hàng cừ kết hợp đắp cơ phản áp với chiều rộng phù hợp để chống sạt trượt mái đê. Khi thấy hiện tượng thẩm lậu, mạch đùn, mạch sủi phải khẩn trương huy động lực lượng để xử lý ngay, nếu có điều kiện tiến hành lấp đầm, ao, ruộng trũng, đắp cơ phản áp kéo dài đường viền thấm.

Thái Bình: Khẩn trương di dời dân tránh lũ những vùng đê xung yếu.- Ảnh 5.

Ngoài việc đảm bảo an toàn các tuyến đê bối, phải ưu tiên, coi trọng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đê quốc gia. Đồng thời huy động mọi nguồn lực kể cả các xã trong nội đồng, nếu thiếu lực lượng, phương tiện báo cáo về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh để được hỗ trợ. Kêu gọi người dân tin tưởng vào sự chỉ đạo của của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, luôn nâng cao tinh thần sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ trong những ngày tới.

Thái Bình: Khẩn trương di dời dân tránh lũ những vùng đê xung yếu.- Ảnh 6.

Thông tin sơ bộ, hơn 4 nghìn người dân ở đê bối được tổ chức di dời đến nơi an toàn, một số bờ bao, đê bối bị tràn tại xã Vũ Vân, xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư) đã được xử lý chống tràn. 3 trạm bơm đang hoạt động: Đại Nẫm (Quỳnh Phụ), Thuỷ Nguyên, Hệ (Thái Thuỵ) đảm bảo tiêu nước kịp thời cho vùng bị ngập nước.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đôn đốc, chỉ đạo các sở chỉ huy tiền phương trên các triền đê trực tiếp chỉ đạo công tác tuần tra canh gác đê điều nghiêm ngặt liên tục ngày đêm, kịp thời phát hiện các sự cố.

Ngoài ra, các sở chỉ huy tiền phương có trách nhiệm kiểm tra, rà soát toàn bộ nhân lực, vật tư, phương tiện đã chuẩn bị nếu không bảo đảm lập tức bổ sung ngay. Nghiêm cấm các lực lượng được phân công làm công tác phòng, chống thiên tai bỏ vị trí. Kêu gọi người dân luôn tin tưởng vào sự chỉ đạo của của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, luôn nâng cao tinh thần sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ trong những ngày tới.

Thành Trung - Đức Thạnh