Nhờ tận dụng tối đa lợi thế sẵn có (vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng…) và có nhiều chính sách phù hợp, thời gian qua, tỉnh Tây Ninh (gồm 2 tỉnh Long An và Tây Ninh cũ hợp nhất) đã có nhiều bứt phá trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp ở ĐBSCL và Đông Nam bộ, song Tây Ninh vẫn đảm bảo tốt công tác bảo vệ môi trường.

Tận dụng và phát huy tối đa lợi thế
Nhiều năm qua, tỉnh Tây Ninh luôn dẫn đầu vùng ĐBSCL về thu hút đầu tư với nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp đi vào hoạt động. Đặc biệt, tỉnh Long An (cũ) thường xuyên nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước về năng lực cạnh tranh. Theo phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh Long An (cũ) có 51 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích quy hoạch 12.433ha. Đến nay, đã có 37 KCN được thành lập với diện tích 10.015,59ha; trong đó, có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích 5.982,14ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 69,22%. Hiện có 11 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KCN với diện tích 3.230,79ha. Ngoài ra, có 14 KCN đang được đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An (cũ) có 72 cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch; trong đó có 17 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích 857ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 90,9%. Ngoài ra, có 25 CCN với diện tích 1.278ha đang triển khai thực hiện thủ tục đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Đảm bảo môi trường
Ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở NN-MT Tây Ninh, cho biết, trong quá trình phát triển công nghiệp, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, nhất là vấn đề xử lý nước thải và rác thải công nghiệp tại các KCN -CCN. Khi tiếp nhận đầu tư, tỉnh chủ trương ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường; hạn chế tiếp nhận các ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm. Tỉnh luôn yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN - CCN trước khi đi vào vận hành, tiếp nhận đầu tư phải đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đối với các KCN - CCN đang hoạt động phải vận hành hệ thống xử lý nước thải đúng quy trình kỹ thuật và thực hiện quan trắc môi trường theo quy định.
Bên cạnh đó, công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải công nghiệp cũng được kiểm soát chặt chẽ. Các doanh nghiệp có trách nhiệm tự rà soát, phân loại theo danh mục chất thải, thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp theo đúng quy định. Kết quả quan trắc môi trường không khí tại các KCN - CCN trên địa bàn gần đây đều cho kết quả tốt. Các thông số quan trắc về khí CO, NO2 , SO2 , bụi… tại các điểm lấy mẫu đều đạt theo quy chuẩn cho phép, nằm trong giới hạn của QCVN 05:2013/BTNMT (thay thế bằng quy chuẩn QCVN 05:2023/BTNMT).
Đối với môi trường nước, hiện nay 100% KCN đang hoạt động đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung theo quy định và được vận hành thường xuyên. Qua kiểm tra, hầu hết hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN đều xử lý đạt quy chuẩn thải cho phép. Hiện nay, các công trình xử lý nước thải tại các KCN vận hành ổn định và công suất vận hành đều thấp hơn công suất thiết kế nên chưa có hiện tượng quá tải của hệ thống. Các KCN cũng được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Đối với CCN, tổng lượng nước thải phát sinh tại các CCN đang hoạt động khoảng 6.000m3 /ngày đêm. Hiện có 16/18 CCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và 2 CCN đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải là CCN Đức Hòa Đông và CCN Đức Hòa Hạ đều đang chỉnh trang. Tuy nhiên, nước thải tại các đơn vị thứ cấp trong 2 CCN trên đều xử lý nước thải đạt quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT.
Đối với môi trường chất thải rắn phát sinh từ quá trình sản xuất công nghiệp, được chia làm 2 loại chính: chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại. Trong đó, chất thải rắn thông thường bao gồm chất thải rắn sinh hoạt của công nhân và chất thải rắn công nghiệp không nguy hại. Thành phần, khối lượng chất thải rắn phát sinh tại mỗi cơ sở tùy thuộc vào ngành nghề, quy mô và công suất của các cơ sở công nghiệp. Hiện nay, các KCN - CCN trên địa bàn, công tác thu gom, xử lý rác thải công nghiệp được các doanh nghiệp thực hiện khá tốt, hiệu quả thu gom đạt khá cao. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, nguy hại ước tính đạt khoảng 90% (khoảng 10% chất thải rắn công nghiệp còn lại, doanh nghiệp tái sử dụng hoặc lưu kho).
Theo ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Tây Ninh, tỉnh kiên định quan điểm phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường, tuyệt đối không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế trước mắt. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, gần đây, các “điểm nóng” ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh không còn. Tỉnh vươn lên xếp thứ 12 cả nước trong bảng xếp hạng PGI năm 2023, xếp thứ 6 cả nước trong bảng xếp hạng PGI năm 2024, thể hiện sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững.
ĐĂNG NGUYÊN