Chiều 3-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tháng 6-2025.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025.
Theo đó, dù bối cảnh nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách nhà nước… tốt hơn qua từng tháng, từng quý; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Theo dự báo vào cuối tháng 5, tăng trưởng GDP quý 2 ước đạt 7,67% so với cùng kỳ; 6 tháng đạt 7,31%.
Tuy nhiên, ước số liệu đến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng có thể cao hơn 0,2-0,3% so với dự báo.

Ngày 2-7 vừa qua, 2 đoàn đàm phán của Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng. Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước và tiếp tục trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực then chốt, đột phá như khoa học công nghệ cao. Đây là kết quả quan trọng trong đàm phán, tạo niềm tin, kỳ vọng cho doanh nghiệp.
Xuất khẩu 6 tháng tăng 14,4%, xuất siêu ước đạt 7,63 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 2 tăng 9% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,3%; khách du lịch quốc tế 6 tháng đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý 2 tăng 10,5% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,8%; tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ (cao nhất từ năm 2009), vốn FDI thực hiện đạt trên 11,7 tỷ USD, tăng 8,1%.
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 6 tháng đạt 152.700 doanh nghiệp, cao hơn 20% so với số rút lui khỏi thị trường (127.200 doanh nghiệp).
Đặc biệt, tính riêng tháng 6, đăng ký thành lập mới đạt gần 24.400 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay, với tổng vốn đăng ký gần 177.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 60,5% và 21,2% so với cùng kỳ; quay trở lại hoạt động gần 14.400 doanh nghiệp, tăng 91,05%; hộ kinh doanh thành lập mới đạt trên 124.300 hộ, tăng 118,4%...
Tính chung 6 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 89,03% so với cùng kỳ…
Tuy vậy, thời gian tới dự báo nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức hơn; yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải chủ động, quyết liệt, sát sao hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Bộ Tài chính cũng phân tích một số khó khăn, thách thức như: mục tiêu tăng trưởng năm 2025 còn nhiều thách thức; kinh tế vĩ mô còn chịu nhiều sức ép, nhất là trong điều hành tỷ giá, lãi suất; hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng vẫn còn vướng mắc, chưa theo kịp yêu cầu phát triển…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cần tập trung làm ngay trong tháng 7 và quý 3. Trong đó, theo dõi sát hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp, việc triển khai các quy định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc của địa phương, bảo đảm đồng bộ, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thông suốt các công việc theo thẩm quyền 2 cấp.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước; không ngừng hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới.
Về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Bộ Tài chính phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2025 tăng 15% so với dự toán; phấn đấu tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên các tháng cuối năm để đầu tư xây dựng trường nội trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chi cấp bách...
LÂM NGUYÊN