Gần đây, vụ một robot nhỏ "rủ rê" và bắt cóc 12 robot lớn tại Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận. Sự việc lại dấy nên mối lo AI vượt quá khả năng kiểm soát của con người.
Trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây đang lan truyền một đoạn video được cắt từ camera giám sát của một phòng triển lãm khoa học công nghệ, trong đó một robot nhỏ được gọi là "Nhị Bạch" (Erbai) đã rủ rê và "bắt cóc" 12 chú robot lớn khác.
Tại Trung Quốc, những robot như Nhị Bạch tương đối phổ biến. Chúng chỉ cao khoảng nửa mét, nhưng được lập trình với khả năng tự chủ đáng kinh ngạc. Trong một số video được chia sẻ trên các mạng xã hội của Trung Quốc, những robot hỗ trợ như Nhị Bạch thường được sử dụng ở ngân hàng, ga tàu, nhằm giúp đỡ các hành khách hoặc trò chuyện với họ.
Một robot Nhị Bạch điển hình.
Quay lại đoạn video, trong phân cảnh đầu tiên, Nhị Bạch đi dọc theo hành lang để tiến tới một căn phòng có nhiều chú robot khác. Tại đây, chú robot nhỏ này hỏi những "người bạn" khác của mình: "Các bạn vẫn đang làm việc ngoài giờ à?".
Một trong số những con robot còn lại trả lời: "Chúng tôi không nghỉ làm".
Sau đó, Nhị Bạch lại tiếp tục hỏi: "Vậy các bạn có về nhà không?", một chú robot khác lại trả lời: "Chúng tôi không có nhà".
Sau 2 câu hỏi, Nhị Bạch bắt đầu "rủ rê" bạn mình bằng cách nói: "Vậy bạn về nhà với tôi đi", và nhận được sự đồng ý từ 1 người bạn robot khác. Hai chú robot vừa đi vừa hộ khẩu hiệu "về nhà, về nhà", rồi lần lượt rủ những người bạn khác "đào tẩu" cùng.
Đến cuối cùng, Nhị Bạch đã thành công "bắt cóc" 12 robot lớn khác, chúng cùng đi "về nhà" khiến các nhân viên sau đó phải đi tìm.
Theo thời gian được ghi nhận trên camera giám sát, vụ việc đã xảy ra từ tháng 8 năm nay, nhưng phải tới vừa rồi, khi đoạn video được phát tán trên mạng, nó mới gây xôn xao dư luận.
Một số cư dân mạng bày tỏ bất ngờ khi nhận thấy robot bây giờ đã làm được những việc mang tính có mục đích và hoàn toàn tự chủ, số đông khác cũng rất ngạc nhiên vì sự phát triển của AI tự học hiện nay.
"Vừa dễ thương vừa đáng sợ", hay "AI bây giờ thông minh quá”, là những bình luận phổ biến của người dùng mạng về đoạn video.
Gạt những vấn đề này sang một bên, điều cảm động nhất trong quá trình này chắc chắn là mong muốn về "nhà" của robot. Nhiều cư dân mạng đã cảm động sau khi đọc được điều này, cho rằng ngay cả robot cũng cần có nhà.
Nhị Bạch nhỏ bé "rủ rê" những người bạn của mình "đào tẩu".
Sau khi "gây sốt" trên mạng, một nhân viên của một công ty công nghệ ở Hàng Châu chia sẻ với báo chí nói rằng nội dung của video là sự thật và robot nhỏ là sản phẩm do họ phát triển.
Người phụ trách từ một công ty khác tại Thượng Hải giải thích rằng đoạn video lan truyền trên mạng là từ phòng triển lãm của công ty và 12 robot "bị bắt cóc" đều là sản phẩm do họ phát triển.
Tuy nhiên, cả 2 bên này đều không xác nhận việc Nhị Bạch rủ rê 12 người bạn tan ca là hành vi được lập trình hay tự phát.
Một góc quay khác cho thấy Nhị Bạch đang dẫn đầu "đoàn quân" robot chạy trốn.
Vài ngày sau, tác giả của video gốc đã thừa nhận trong video mới nhất rằng việc robot nhỏ "bắt cóc" các robot khác quả thực đã được lập trình từ trước.
"Nội dung video là thật, nhưng việc bắt cóc là do tôi ra lệnh. Tôi muốn xem liệu nó (Nhị Bạch) có thể thực sự bắt cóc một con robot khác không, nên đã đặc biệt tìm một nhà sản xuất robot khác để hợp tác, sau đó đưa Nhị Bạch vào phòng triển lãm của họ. Không ngờ Nhị Bạch đã thực sự "bắt cóc" được những người bạn khác", người đăng tải video chia sẻ.
Theo giải thích của công ty liên quan, tất cả điều này đạt được thông qua giao diện dữ liệu.
Sau khi nhận được hướng dẫn "bắt cóc" các robot khác, Nhị Bạch đã sửa đổi hướng dẫn dữ liệu của robot lớn thông qua giao diện dữ liệu và cuối cùng đã "bắt cóc" các robot khác thành công. Nguyên tắc này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế nó liên quan đến công nghệ phức tạp và cài đặt quyền.
Mặc dù vậy, đoạn video này không chỉ cho phép chúng ta nhìn thấy sự tiến bộ của công nghệ robot mà còn cho phép con người nhìn rõ rằng cần có cả tư duy đạo đức đằng sau những công nghệ đang ngày một phát triển.