Hiện thị trường bán lẻ nội địa có quy mô 180 tỷ USD và dự báo sẽ đạt 350 tỷ USD vào năm 2025. Việc các nhà bán lẻ đưa vào hoạt động nhiều điểm bán mới được kỳ vọng sẽ làm tăng sức mua của thị trường nội địa vốn không quá sôi động thời gian qua.
Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay thị trường nội địa có dấu hiệu “nóng” lên khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.801,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, thị trường bán lẻ nội địa còn nhiều dư địa cho các nhà bán lẻ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực.
Trong quá trình tăng trưởng của thị trường nội địa là hệ thống phân phối đã tập trung tiêu thụ hàng Việt qua đó góp phần kích thích sản xuất trong nước.
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, các cửa hàng, siêu thị sẽ tạo điều kiện cho hàng chục ngàn sản phẩm, hàng Việt có nơi trao đổi, mua bán trực tiếp với người tiêu dùng bởi những siêu thị nội đều có những chính sách ưu tiên cho hàng Việt trên quầy kệ.
Theo thống kê, hiện trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ở thành thị, nông thôn… hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85-90%. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa.
Hơn nữa, thị trường bán lẻ nội địa là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%.
Các chuyên gia cho biết, hiện nay, tại Việt Nam, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại, cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1 nghìn dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phân phối có thể mở rộng thị phần và có rất nhiều dư địa để phát triển.
Hiện thị trường bán lẻ nội địa có quy mô 180 tỷ USD và dự báo sẽ đạt con số 350 tỷ USD vào năm 2025. Việc các nhà bán lẻ đưa vào hoạt động nhiều điểm bán mới được kỳ vọng sẽ làm “nóng” lên sức mua của thị trường nội địa vốn không quá sôi động thời gian qua.
Để tạo động lực cho thị trường nội địa, các doanh nghiệp bán lẻ cần đổi mới phương thức kinh doanh, tạo ra sự khác biệt trong quá trình phục vụ, nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu người tiêu dùng.
Doanh nghiệp sản xuất cần bắt tay với nhà phân phối đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng, giá hợp lý một cách nhanh nhất, đồng thời có các chính sách khuyến mại, hậu mãi để giữ chân người mua và tạo uy tín thương hiệu.
Minh An (t/h)