Quy mô ngành F&B Việt Nam có thể đạt gần 880.000 tỷ đồng vào năm 2027
Kinh Doanh

Ngành F&B 2025 sẽ tiếp đà tăng trưởng khi được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng có xu hướng ổn định qua các năm. Sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và thu nhập của người dân cải thiện cũng sẽ tạo động lực giúp ngành phát triển hơn.

Theo Công ty Colliers International Việt Nam, F&B là một ngành bán lẻ thành công nhất ở Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023 - 2027 đạt khoảng 8,22%/năm. Việt Nam hội nhập sâu rộng bằng các hiệp định thương mại, trong hoạt động xuất, nhập khẩu và đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm, kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú...

Quy mô ngành F&B Việt Nam có thể đạt gần 880.000 tỷ đồng vào năm 2027- Ảnh 1.

Kinh doanh ẩm thực và đồ uống vẫn là một trong những ngành thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: TBTCVN

Còn theo dữ liệu của Euromonitor, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2023 - 2027 đạt 10,25% và dự kiến sẽ đạt giá trị 872.916 tỷ đồng vào năm 2027.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành F&B 2025 sẽ tiếp đà tăng trưởng khi được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng có xu hướng ổn định qua các năm. Sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và thu nhập của người dân cải thiện cũng sẽ tạo động lực giúp ngành phát triển hơn.

Tại cuộc họp báo giới thiệu triển lãm quốc tế dành cho ngành công nghiệp đồ uống và thực phẩm dạng lỏng (Drinktec 2025), ông Richard Clemens, Giám đốc điều hành Hiệp hội máy móc chế biến thực phẩm và bao bì, thiết bị và nhà máy quy trình (thuộc VDMA), cho rằng tăng trưởng kinh tế, sự phát triển dân số, xu hướng sức khỏe và dinh dưỡng, cùng với vòng đời sản phẩm ngày càng rút ngắn đang định hình sự phát triển của ngành đồ uống và thực phẩm lỏng.

Ngành này đặc biệt quan tâm đến các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, chất lượng, cũng như quy trình sản xuất và đóng gói bền vững, được nâng tầm nhờ vào dữ liệu và công cụ số hóa. Xu hướng sức khỏe, công thức mới, thành phần chức năng và tầm quan trọng ngày càng tăng của protein trong đồ uống đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp cần có mô hình sản xuất mới.

Việc sử dụng tài nguyên một cách có trách nhiệm không chỉ là vấn đề của ngành đồ uống và thực phẩm lỏng, mà còn ảnh hưởng đến tất cả các quá trình kinh tế. Tuần hoàn và quản lý tài nguyên là một vấn đề mang tính toàn cầu và cũng được ưu tiên trong chương trình nghị sự chính trị của nhiều quốc gia châu Âu và ngoài châu Âu.

Nhìn chung, năm 2025, các nhà kinh doanh đang tích cực chuyển mình và áp dụng công nghệ để tối ưu hoạt động, tăng sức bền sẽ thúc đẩy ngành F&B trở nên linh hoạt, sáng tạo, với sức sống mạnh mẽ hơn.

Minh An (t/h)