Trong 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ 2023; riêng quý III/2024 tăng 12,7%. Kinh tế tỉnh này đã vượt ngưỡng tăng trưởng âm.
Chiều 9/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2024. Đồng chí Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp.
Theo đánh giá của Sở KH&ĐT Quảng Nam, 9 tháng năm 2024, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023; riêng quý III tăng 12,7%. Quy mô nền kinh tế tỉnh đạt gần 91 nghìn tỷ đồng, mở rộng gần 8 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng hơn 3,7 nghìn tỷ đồng; tiếp đến là khu vực dịch vụ 2,6 nghìn tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gần 971 tỷ đồng; thuế sản phẩm và trợ cấp sản phẩm 642 tỷ đồng.
Cơ cấu GRDP 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 31,8%; khu vực dịch vụ chiếm 34,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 17,1%.
Với những chuyển biến tích cực đạt được cùng sự quyết tâm trong lãnh chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự vào cuộc, đồng hành của hệ thống các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Quảng Nam tiếp tục cải thiện nhiều chỉ số quan trọng. Đặc biệt, trong 9 tháng, Quảng Nam xếp vị thứ 27/63 tỉnh, thành phố; xếp vị thứ 8/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung về quy mô GRDP. Xếp vị thứ 50/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; xếp vị thứ 12/14 tỉnh Bắc Trung bộ Duyên hải miền Trung về tăng trưởng kinh tế.
Thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Nam trong 9 tháng gần 14.435 tỷ đồng, đạt 61,2% dự toán. Trong đó, thu nội địa 11.767 tỷ đồng, đạt 59% dự toán và thu xuất nhập khẩu 2.631 tỷ đồng, đạt 75%.
Chi ngân sách nhà nước 16.271 tỷ đồng, đạt 52% dự toán, bằng 104% so với cùng kỳ; trong đó chi đầu tư phát triển 6.927 tỷ đồng, bằng 141% dự toán; chi thường xuyên 9.305 tỷ đồng, đạt 66% dự toán.
Đặc biệt, lĩnh vực du lịch địa phương tăng trưởng tốt. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch 9 tháng năm 2024 ước đạt hơn 6,4 triệu lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khách quốc tế ước đạt trên 4,2 triệu lượt khách, tăng 8%; khách nội địa ước đạt trên 2,2 triệu lượt khách, tăng 3%.
Doanh thu du lịch ước đạt 6.230 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 14.641 tỷ đồng. Du lịch Quảng Nam vinh dự nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng hàng đầu thế giới và hàng đầu châu Á do các chuyên trang du lịch nổi tiếng trao tặng.
Về giải ngân vốn đầu tư công, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 8.884 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ chi tiết kế hoạch năm 2024 cho các ngành và các địa phương là 6.614 tỷ đồng, đạt 94%; kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết 442 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9, tỉnh Quảng Nam đã giải ngân được hơn 3.678 tỷ đồng, đạt 41,4%.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho hay, mặc dù bước vào năm 2024, Quảng Nam cũng như nhiều địa phương trong cả nước gặp nhiều khó khăn, song với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành mà đứng đầu là Tỉnh uỷ, UBND, nhiều khó khăn, thách thức từng bước được khắc phục, tháo gỡ, nhờ đó bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực; đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế có nhiều điểm sáng.
Bởi năm 2023 và quý I/2024, tỉnh Quảng Nam tăng trưởng âm. Nhưng tính 9 tháng năm 2024, GRDP tỉnh tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023; riêng quý III/2024 tăng 12,7%.
"Đây là con số ấn tượng với tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn này, kinh tế tỉnh Quảng Nam vượt qua được ngưỡng tăng trưởng âm năm 2023. Để đạt được kết quả trên là sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và đồng thuận của người dân”, ông Dũng khẳng định.
Trong những tháng còn lại của năm 2024, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường công tác quản lý thu, đẩy mạnh khai thác nguồn thu, chống thất thu để tổ chức thực hiện thu đúng, thu đủ, kịp thời; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa thiên tai. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác trong thực thi công vụ.
Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Thực hiện tốt kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ, giới thiệu việc làm, đặc biệt là nghiên cứu các giải pháp nhằm tập trung thu hút lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…
PV