Theo doanh nhân Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, trong giai đoạn hiện nay, việc doanh nghiệp tư nhân cần xây dựng một hệ thống quản trị minh bạch và chuyên nghiệp, điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn.
Doanh nghiệp tư nhân là một thành phần quan trọng và không thể thiếu trong nền kinh tế của hầu hết các quốc gia. Tại Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân đã và đang đóng vai trò ngày càng lớn trong quá trình phát triển kinh tế, tạo việc làm, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhấn mạnh: Doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò then chốt và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam. Hiện nay, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 45% GDP và tạo ra hơn 85% tổng số việc làm trên cả nước. Với tính linh hoạt, khả năng thích ứng nhanh và nhạy bén trước các xu hướng mới, doanh nghiệp tư nhân đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà.
"Họ là những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số - một yếu tố quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các doanh nghiệp này không chỉ tạo ra hàng triệu việc làm mà còn thúc đẩy các lĩnh vực mới như thương mại điện tử, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập quốc tế, doanh nghiệp tư nhân là cầu nối quan trọng, giúp Việt Nam mở rộng quan hệ thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng thương hiệu quốc gia. Với sự nhạy bén và linh hoạt, họ sẽ là lực lượng tiên phong đưa nền kinh tế Việt Nam tiến gần hơn tới các chuẩn mực quốc tế", ông Đoàn nói.
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái.
- Theo ông, hiện nay, doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt với những thách thức lớn nhất nào trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu?
Ông Phạm Đình Đoàn: Các doanh nghiệp tư nhân hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Thứ nhất là áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các tập đoàn quốc tế có quy mô lớn và nguồn lực mạnh. Thứ hai là sự bất định trong thị trường toàn cầu, đặc biệt là về sự biến động của chuỗi cung ứng và tình trạng biến đổi kinh tế vĩ mô. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn phải đối mặt với hạn chế về nguồn vốn, năng lực quản trị và việc tạo dựng thương hiệu.
Một thách thức không nhỏ khác là việc thiếu hụt lao động chất lượng cao, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế số đòi hỏi nhân lực có kỹ năng về công nghệ và đổi mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế do những rào cản về thương mại và các tiêu chuẩn khắt khe trong ngành công nghiệp toàn cầu. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục đổi mới và phát triển để có thể tồn tại và phát triển bền vững.
- Nhiệm vụ hàng đầu của các doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn hiện nay là gì để phát triển bền vững, thưa ông?
Ông Phạm Đình Đoàn: Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp tư nhân cần tập trung vào một số nhiệm vụ cốt lõi để phát triển bền vững. Trước hết, là việc xây dựng một hệ thống quản trị minh bạch và chuyên nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn. Minh bạch không chỉ giúp xây dựng niềm tin mà còn tạo ra sự ổn định và bền vững.
Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt tiếp theo. Doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo và xây dựng đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn cao, tư duy linh hoạt, sẵn sàng đón nhận thay đổi.
Đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số, cũng là một bước đi không thể thiếu. Chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn tối ưu hóa quy trình vận hành và tư duy quản trị.
Cuối cùng, việc bảo vệ môi trường và đóng góp cho cộng đồng không chỉ nâng cao uy tín doanh nghiệp mà còn giúp phát triển bền vững trong dài hạn.
- Ông có thể chia sẻ ý kiến của mình về các chính sách hiện tại của nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân không? Những chính sách nào đang hỗ trợ tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp?
Ông Phạm Đình Đoàn: Chính sách của nhà nước trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện, đặc biệt là việc thúc đẩy sự minh bạch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Các cải cách về thủ tục hành chính, hỗ trợ về thuế và chương trình khuyến khích khởi nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Các chính sách về tiếp cận nguồn vốn cũng được đẩy mạnh, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc mở rộng quy mô.
Chính sách phát triển kinh tế số cũng là một điểm sáng, khi doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với các công nghệ mới và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số.
Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn cần có những điều chỉnh để chính sách ngày càng phù hợp hơn với thực tế của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong việc tạo ra môi trường pháp lý minh bạch và thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh.
- Ông có đề xuất hay mong muốn gì về việc cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển trong thời gian tới?
Ông Phạm Đình Đoàn: Tôi cho rằng để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là trong vấn đề pháp lý. Các thủ tục hành chính nên được đơn giản hóa và quy định pháp luật cần ổn định, minh bạch hơn. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường số hóa trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Về thuế, cần có thêm các chính sách ưu đãi thuế dành cho những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và năng lượng sạch. Đây là những lĩnh vực có tiềm năng lớn để đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, việc linh hoạt trong chính sách thuế dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn đầu phát triển.
Một vấn đề lớn khác mà doanh nghiệp tư nhân thường gặp phải là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Vì vậy, tôi mong sẽ có thêm các chương trình tài trợ, quỹ đầu tư và cơ chế vay vốn ưu đãi từ cả trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính cần thiết để đầu tư vào công nghệ, mở rộng thị trường.
Ngoài ra, tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện tại, nhu cầu về lao động có kỹ năng cao trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, quản trị và các kỹ năng số là rất lớn. Tôi hy vọng có thêm nhiều chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, từ đó giúp chúng ta xây dựng được đội ngũ lao động có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
- Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong 5-10 năm tới?
Ông Phạm Đình Đoàn: Trong 5-10 năm tới, tôi tin rằng doanh nghiệp tư nhân sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Chuyển đổi số sẽ định hình lại cách thức hoạt động và quản lý của doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, thương mại điện tử và dịch vụ tài chính.
Ngoài ra, xu hướng hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân và các đối tác quốc tế sẽ ngày càng tăng, giúp họ mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, với sự đổi mới sáng tạo và khả năng thích ứng, sẽ không chỉ đứng vững trong nước mà còn vươn ra mạnh mẽ trên trường quốc tế.
- Doanh nghiệp của ông có kế hoạch gì trong tương lai để tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường?
Ông Phạm Đình Đoàn: Phú Thái Holdings Group luôn duy trì tầm nhìn dài hạn, tập trung vào chiến lược phát triển bền vững và mở rộng không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và toàn cầu. Để thực hiện điều này, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ và chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động quản trị, kinh doanh và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, việc mở rộng hợp tác chiến lược với các đối tác quốc tế, thông qua các hình thức như liên doanh, liên kết và M&A, sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của chúng tôi. Chúng tôi cũng luôn chú trọng tới việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, một yếu tố không thể thiếu để doanh nghiệp phát triển bền vững và đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, Phú Thái vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ, cùng với việc mở rộng thị trường sang các lĩnh vực khác như công nghệ, logistic &thương mại điện tử…. Tất cả đều hướng tới mục tiêu trở thành một tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam và khu vực.
- Ông có lời khuyên nào dành cho những người trẻ đang mong muốn khởi nghiệp trong môi trường kinh doanh hiện nay không?
Ông Phạm Đình Đoàn: Khởi nghiệp là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng vô cùng thú vị. Lời khuyên của tôi dành cho những bạn trẻ là hãy bắt đầu từ niềm đam mê thực sự, từ khát khao cống hiến, không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng và đất nước. Khởi nghiệp không chỉ là việc tìm kiếm cơ hội làm giàu, mà còn là sứ mệnh tạo ra giá trị, góp phần vào sự phát triển chung cho xã hội. Hãy luôn trung thực, minh bạch và kiên trì. Không có thành công nào đến ngay lập tức, bạn cần phải có tầm nhìn dài hạn và sẵn sàng đối mặt với những thử thách khó khăn.
Thị trường ngày nay rất cạnh tranh và không ngừng thay đổi, do đó, bạn cần phải liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Hãy tận dụng mọi cơ hội để phát triển bản thân, tìm kiếm đối tác chiến lược và luôn giữ cho mình một tinh thần học hỏi, sẵn sàng thay đổi khi cần thiết.
Cuối cùng, đừng ngại thất bại. Mọi doanh nhân thành công đều phải trải qua những khó khăn, thậm chí cả sai lầm trong quá trình phát triển. Điều quan trọng là bạn học hỏi từ những thất bại đó và tiếp tục đi lên. Bằng sự kiên trì, tầm nhìn dài hạn và khả năng đổi mới, tôi tin rằng các bạn trẻ hoàn toàn có thể khởi nghiệp thành công và đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước.
- Xin cảm ơn ông!