PMI tháng 6 bật tăng lên mức 54,7 điểm
Kinh Doanh

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 6/2024 đã tăng lên 54,7 điểm, vượt xa mức 50,3 điểm của tháng trước đó, cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục đà phục hồi và sôi động hơn.

S&P Global vừa công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 6/2024, với một số điểm khởi sắc.

Đó là số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2011; việc làm tăng trưởng trở lại và giá cả đầu ra tăng với tốc độ nhanh nhất trong hai năm.

PMI tháng 6 bật tăng lên mức 54,7 điểm- Ảnh 1.

Báo cáo ghi nhận, tăng trưởng trong ngành sản xuất của Việt Nam đã gia tăng mạnh vào cuối quý 2/2024. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng với một trong những tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận, từ đó các công ty có thể tăng sản lượng và hoạt động mua hàng, và tăng số lượng nhân viên lần đầu tiên trong ba tháng.

Tốc độ tăng chi phí đầu vào cũng nhanh hơn, đạt mức cao của hai năm khi chi phí vận tải và đặc biệt là giá dầu tăng. Để bù đắp, các công ty đã tăng giá bán hàng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2022.

Theo đó, PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, so với mức 50,3 điểm của tháng 5.

Kết quả chỉ số không chỉ cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể. Trên thực tế, mức cải thiện các điều kiện hoạt động là một trong hai mức mạnh nhất kể từ tháng 11/2018, tương đương với các mức được ghi nhận trong tháng 4/2021 và tháng 5/2022.

Các điều kiện kinh doanh cải thiện mạnh hơn chủ yếu phản ánh tình trạng tăng của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới vào thời điểm giữa năm.

Đặc biệt, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng thành mức chỉ kém mức được ghi nhận vào tháng đầu tiên thu thập dữ liệu khảo sát vào tháng 3/2011. Các báo cáo cho thấy nhu cầu đã cải thiện khi một số khách hàng quay trở lại yêu cầu có thêm đơn đặt hàng trong tháng.

Trong một số trường hợp, giá cả cạnh tranh đã giúp các công ty có được các đơn đặt hàng mới. Trong khi đó số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2022, mặc dù tốc độ tăng là chậm hơn nhiều so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh tương xứng với mức tăng của sản lượng sản xuất, và tháng 6 đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất của sản lượng trong hơn 5 năm rưỡi qua.

Báo cáo của S&P Global cũng cho thấy, các công ty đã gia tăng hoạt động mua hàng, và hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng tháng thứ ba liên tiếp và với tốc độ là nhanh nhất kể từ tháng 6/2022.

Mặc dù vậy, tồn kho hàng mua tiếp tục giảm khi hàng hóa đầu vào được dùng cho sản xuất. Tương tự, tồn kho hàng thành phẩm giảm khi các mặt hàng lưu kho được chuyển đi đáp ứng nhu cầu bán hàng. Hơn nữa, tồn kho sau sản xuất đã giảm nhiều nhất trong 3 năm.

Tốc độ tăng chi phí đầu vào trong tháng 6 đã tăng tháng thứ ba liên tiếp và đạt mức cao của hai năm. Có nhiều báo cáo cho thấy chi phí vận tải tăng, cùng với giá dầu và chi phí các mặt hàng nhập khẩu tăng.

Để bù đắp, các nhà sản xuất đã tăng giá bán hàng với mức độ lớn nhất kể từ tháng 6/2022. Mức tăng giá bán hàng đã được ghi nhận trong hai tháng liên tiếp.

“Mức độ sẵn có hơn của nguyên vật liệu đã giúp các nhà cung cấp đẩy nhanh quá trình giao hàng trong tháng 6, và thời gian giao hàng đã được rút ngắn lần đầu tiên trong năm 2024 tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, mức cải thiện hiệu suất hoạt động của người bán hàng chỉ là nhỏ khi vẫn có những khó khăn trong khâu vận tải biển quốc tế”, báo cáo nhận định.

Triển vọng của các điều kiện kinh doanh thuận lợi tiếp tục hỗ trợ cho niềm tin kinh doanh về triển vọng sản lượng ngành sản xuất trong một năm tới. Tâm lý kinh doanh đạt mức cao của ba tháng khi có khoảng một nửa số người trả lời khảo sát dự báo tăng trưởng.

Huyền My (t/h)