Diện tích dừa Bến Tre lớn nhất cả nước với 79.000ha, có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2, giúp địa phương thu về gần 500 triệu USD mỗi năm, từ đó hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững.
Các nhà nghiên cứu khẳng định, cây dừa có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp cùng tiềm năng lưu giữ carbon của loại cây này. Dừa là 1 trong 10 loài cây thích ứng biến đổi khí hậu tốt nhất, là 1 trong 5 loài cây thích nghi được tình trạng sa mạc hóa.
Ảnh minh họa. Nguồn: VnEconomy
Cây dừa, với sinh khối lớn và tuổi thọ lâu năm, có khả năng hấp thụ một lượng lớn CO2 từ khí quyển trong suốt vòng đời của nó. Các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là các sản phẩm có khả năng thay thế các vật liệu từ nhiên liệu hóa thạch như nhựa, cũng đóng góp vào việc giảm thiểu phát thải carbon. Ví dụ, các sản phẩm từ xơ dừa và gáo dừa có thế được sử dụng làm vật liệu xây dựng, sản phẩm cách nhiệt, hoặc thậm chí là các sản phẩm sinh học có thể phân hủy, thay thế các vật liệu không thân thiện với môi trường…
Tại Việt Nam, dừa là một trong những cây công nghiệp chủ lực. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn cầu với diện tích khoảng 188.000 ha, chủ yếu tập trung tại Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Bến Tre là địa phương có diện tích dừa lớn nhất cả nước với 79.000ha, giúp nơi đây thu về gần 500 triệu USD mỗi năm từ xuất khẩu cac sản phẩm từ dừa.
Với diện tích dừa trên, Bến Tre có khả năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2 (chưa kể cây dưới tán dừa), có tiềm năng tham gia thị trường tín chỉ carbon, cũng như hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Còn Trà Vinh có tổng diện tích 27.390ha dừa, với sản lượng hàng năm khoảng 444 triệu quả, đứng thứ 2 cả nước. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đang xét duyệt để triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ về "Xây dựng bản đồ phân bố không gian, ước lượng carbon và khả năng hấp thụ CO2 trên sinh khối cây dừa tỉnh Trà Vinh", từng bước hướng đến tham gia vào thị trường carbon của ngành hàng này.
Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ mới đây, với cây dừa trồng hơn 10 năm, 1ha dừa mỗi năm có khả năng hấp thụ được 70-75 tấn CO2. Nếu tính mức giá tương tự như tín chỉ carbon rừng (5 USD/tấn CO2) thì ngành hàng dừa của tỉnh Trà Vinh trong tương lai có thể thêm khoản thu lớn từ bán tín chỉ carbon.
Tại Hội thảo khoa học ngành dừa với chủ đề “Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới net zero”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, thời gian tới, để hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững, xây dựng ngành dừa xanh, cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ Bến Tre tham gia các chương trình Khoa học và Công nghệ liên quan đến phát triển bền vững về cây dừa.
Các bộ ngành trung ương tiếp tục hỗ trợ tham gia các chương trình của ngành một số vấn đề có liên quan về tín chỉ carbon và thị trường tín chỉ carbon đối với cây dừa, khả năng phát triển ngành dừa phát thải thấp và hướng đến thị trường carbon cho cây dừa.
Các viện, trường tiếp tục phối hợp với tỉnh trong việc triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững về cây dừa, cũng như tiềm năng và cơ hội tham gia thị trường carbon của ngành dừa, tiềm năng giá trị kinh tế của cây dừa…
Minh An (t/h)