Phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản
Kinh Doanh

Phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là một chiến lược dài hạn để bảo đảm sự thịnh vượng cho nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đạt được những thành tựu lớn, không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, mà còn đóng góp lớn vào xuất khẩu. Song nông nghiệp cần tiếp tục cơ cấu lại và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản là một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết.

Phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản- Ảnh 1.

Thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã duy trì sự tăng trưởng ở mức cao, điển hình năm 2023 tăng 3,83%, cao hơn mức Chính phủ giao. Nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành, phát triển mạnh mẽ. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường quốc tế.

Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, tiểu vùng và từng địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm. Thông qua liên kết, nhiều doanh nghiệp đã xác lập mối quan hệ bền vững giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định. Nhiều loại nông sản chính liên kết gắn với yêu cầu bảo đảm tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Công tác xúc tiến thương mại giúp thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và có mặt trên 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2024, xuất khẩu nông sản dự kiến đạt 55 - 56 tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến cạnh tranh thị trường quốc tế, việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển chuỗi giá trị nông sản một cách hiệu quả đã trở thành nhiệm vụ cấp bách.

Sáng 28/8, tại Hà Nội, diễn đàn "Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản" đã được tổ chức để tìm ra những giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản.

Cùng với đó, việc liên kết chặt chẽ các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân hợp tác với nhau. Đồng thời, cần đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn năng lực ngành; phát triển thị trường tiêu thụ; bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên để phát triển bền vững.

Để nâng cao hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản, ngành nông nghiệp đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp. 

Đó là đổi mới cơ cấu cây trồng và vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ và an toàn.

Còn theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, tái cơ cấu nông nghiệp đang đi vào đúng quỹ đạo; trong đó có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp và hàng chục ngàn tổ hợp tác nông nghiệp, cùng với trên 3,8 triệu thành viên là nông dân.

Hiện cả nước có trên 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13%) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, để thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này nhằm đáp ứng cho thị trường quốc tế đang tiếp tục mở rộng cho Việt Nam với gần 20 FTA đã ký kết và đàm phán, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước.

Ngoài ra, trước xu hướng tiêu dùng nông sản xanh và sạch của thị trường trong và ngoài nước cũng đặt ra yêu cầu chuỗi giá trị nông sản phải hướng tới thúc đẩy các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động chuỗi để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.

Minh An (t/h)