Ông Trump trở lại Nhà trắng: 'Nền kinh tế tiềm ẩn biến động khó lường'
Kinh Doanh

Chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 sẽ nhích hơn so với năm 2024. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường trước như việc ông Donald Trump trở lại nhà Trắng, bối cảnh này sẽ vừa có khó lường, vừa có dấu hiệu khó khăn hơn về thương mại.

Tăng trưởng kinh tế năm 2025 sẽ nhích hơn so với năm 2024

Nhờ kết quả GDP tích cực của quý III/2024, nhiều tổ chức quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 so với đánh giá trước đó. Đồng thời, các chuyên gia cũng dự báo tăng trưởng GDP sẽ nhích hơn vào năm 2025.

Theo đó, Ngân hàng thế giới (WB) đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt 6,1% trong năm 2024 và tăng lên 6,5% sang năm 2025, mức này cao hơn lần lượt 5,5% và 6,0% tại dự báo của WB vào tháng 4/2024. Với dự báo này, tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn 8 quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Tăng trưởng kinh tế năm 2025 sẽ nhích hơn so với năm 2024.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam vào tháng 10, Ngân hàng Standard Chartered đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6% lên 6,8%.

Đồng thời, dự báo GDP năm 2025 ở mức 6,7%, với mức tăng trưởng dự kiến 7,5% trong nửa đầu năm và 6,1% nửa cuối năm so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối mạnh, với sự cải thiện tốt hơn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, xây dựng và sản xuất. Sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh tăng cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025 và xa hơn nữa.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) cũng đồng tình với dự báo GDP Việt Nam năm 2025 ở mức 6,7% của ngân hàng Standard Chartered.

"Theo quan điểm của tôi, các định chế quốc tế bao giờ cũng có sự thận trọng. Những năm vừa qua, các tổ chức quốc tế đưa ra nhìn nhận về GDP nhưng Việt Nam luôn luôn đạt cao hơn mức đó. Với những chính sách thay đổi rất mới và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, tất nhiên cũng có những yếu tố khó đoán, đặc biệt ông Trump nhưng từ những thông tin hiện tại, tôi rất tin tưởng rằng tăng trưởng GDP phải đạt 6,7% hoặc hơn. Con số tôi nghĩ đến phải là 7% trong năm 2025”, ông Nam cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, năm 2025 ADB dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ nhích hơn so với năm 2024. Trước đó, hồi quý III, ADB đã đưa ra dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 6% năm 2024 và tăng lên 6,2% trong năm 2025.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, các dự báo mang tính định hướng, dựa trên giả định tại thời điểm đưa ra dự báo. Sau khi dự báo sẽ có những biện pháp chính sách, diễn biến thị trường thế giới thay đổi.

"Với ADB, chúng tôi cập nhật công bố theo quý và con số dự báo tăng trưởng sẽ được cập nhật trong tháng tới", ông Hùng cho biết.

Vẫn tồn tại những rủi ro khó lường trước

Tuy dự báo kinh tế Việt Nam phát triển ở mức khá cao nhưng Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, vẫn tiềm ẩn những rủi ro khó lường trước.

Cụ thể, vị chuyên gia này cho rằng, năm 2025 bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường. Với việc ông Donald Trump trở lại nhà Trắng, bối cảnh này sẽ vừa có khó lường, vừa có dấu hiệu khó khăn hơn về thương mại.

Vẫn tồn tại những rủi ro khó lường trước.

Thương mại vốn là động lực của năm 2024 nhưng sẽ không thể duy trì mức độ như vậy sang năm 2025. Nhìn về kinh tế nội địa vẫn đang khó khăn, dựa trên cơ sở Chính phủ nỗ lực về định hướng chính sách, thay đổi cải cách.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế thuộc Viện CIEM cho rằng, năm 2025 địa chính trị trên thế giới có sự bất ổn, nhiều diễn biến khó lường tuy nhiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đánh giá sẽ khởi sắc hơn nhờ phục hồi của tăng trưởng thương mại và kiểm soát lạm phát tốt hơn. Trong khi Việt Nam là nước có nền kinh tế hội nhập sâu rộng với toàn cầu, diễn biến của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế Việt Nam năm 2025.

Ông Thọ cho biết, xuất khẩu trong năm 2025 được dự báo tiếp tục tăng trưởng khá như năm nay. Tuy nhiên, nếu diễn biến địa chính trị thế giới không ổn định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu cũng như nhập khẩu vì tăng chi phí vận tải đường biển, phòng vệ thương mại.

“Trước đây trung bình 2,5 tỷ đô thì có 1 vụ phòng vệ thương mại nhưng nay chỉ 1,5 tỷ đã có 1 vụ rồi, như vậy mật độ rất lớn”, vị chuyên gia cho biết.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra phân tích, xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế Việt Nam có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng. Với điều kiện tiền tệ nới lỏng, nếu áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn, việc này sẽ dẫn đến tác động truyền dẫn lớn hơn đến lạm phát trong nước.

Bên cạnh đó, những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy giảm sự ổn định tài chính.