Nvidia trở thành quân cờ mới nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung
Quốc Tế

Gã khổng lồ ngành chip Nvidia có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 1 tỷ USD trong cuộc điều tra chống độc quyền của Trung Quốc, được nhiều chuyên gia xem là động thái trả đũa đối với Washington trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ ngày càng leo thang.

Đối mặt khoản tiền phạt 1 tỷ USD

Theo tuyên bố từ Cục Quản lý thị trường Nhà nước Trung Quốc đầu tuần qua, cuộc điều tra sẽ áp dụng luật chống độc quyền của nước này đối với thương vụ Nvidia mua lại nhà cung cấp giải pháp và sản phẩm kết nối Mellanox Technologies của Israel vào năm 2019.

Trung Quốc đã chấp thuận "có điều kiện" cho thỏa thuận này vào tháng 4/2020, lưu ý rằng Nvidia đã đồng ý cung cấp bộ xử lý đồ họa (GPU) và các sản phẩm kết nối cho thị trường Trung Quốc dựa trên "các nguyên tắc công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử" và sẽ đảm bảo tính tương thích của chúng với phần cứng của các công ty khác.

Nvidia bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc (Ảnh: Raa/Nurphoto/Getty Images)

Tuy nhiên, Nvidia đã hạn chế xuất khẩu GPU tiên tiến của mình sang Trung Quốc để tuân thủ các quy định của Mỹ, một hành động khiến Bắc Kinh không hài lòng. Cuộc điều tra về một giao dịch đã được chấp thuận trước đó đánh dấu lần đầu tiên cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc lật lại một thoả thuận đã hoàn tất.

Truyền thông Trung Quốc ngày 9/12 đưa tin rằng Nvidia có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 1,03 tỷ USD, tương đương 10% doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong năm tài chính 2024, theo luật chống độc quyền của nước này.

Luật quy định rằng các công ty vi phạm các quy định chống độc quyền có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt từ 1 - 10% doanh số bán hàng hàng năm của họ từ năm trước, mặc dù không nêu rõ liệu điều này có áp dụng cho doanh số bán hàng toàn cầu hay chỉ Trung Quốc.

Cuộc điều tra diễn ra sau một loạt các hành động của Mỹ nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc tiếp cận chip AI do Mỹ thiết kế và chế tạo vì lo ngại rằng chúng có thể rơi vào tay quân đội Trung Quốc.

Một phần trong số đó bao gồm việc cắt đứt quyền tiếp cận của Trung Quốc khỏi các chip tiên tiến và mạnh mẽ nhất của Nvidia, bao gồm cả dòng chip AI Hopper rất được thèm muốn của hãng này.

Theo các chuyên gia, thật khó để dự đoán Trung Quốc sẽ tiến xa đến đâu trong cuộc điều tra và Nvidia sẽ phải đối mặt với những hậu quả pháp lý nào, nếu có, tại quốc gia này.

Nhưng với tư cách là “nhà vô địch” chip hiện tại của Mỹ, công ty đã nhanh chóng trở thành quân cờ mới nhất và có giá trị nhất trong trò chơi ăn miếng trả miếng về kinh tế của hai quốc gia có thể dẫn đến sự phát triển của hai ngành công nghiệp chip hoàn toàn riêng biệt.

Tính toán của Nvidia về Trung Quốc

Mỹ lần đầu tiên cấm bán chip của Nvidia cho Trung Quốc vào năm 2022, yêu cầu công ty không được phép vận chuyển bộ xử lý A100 và H100 của mình để tránh rơi vào tay quân đội Trung Quốc.

Để ứng phó với lệnh cấm này, Nvidia đã phát triển hai chip yếu hơn cho thị trường Trung Quốc là A800 và H800. Nhưng Mỹ cũng đã chặn việc bán các bộ xử lý đó.

Trong khi Nvidia bị cấm bán những sản phẩm mạnh mẽ và sinh lời nhất của mình cho Trung Quốc, công ty này vẫn tạo ra một lượng doanh thu đáng kể thông qua việc bán các loại chip kém tiên tiến hơn mà họ được phép bán tại quốc gia này.

Trong số 35,1 tỷ USD doanh số mà Nvidia báo cáo trong quý III, 5,4 tỷ USD đến từ Trung Quốc, tăng so với 4 tỷ USD trong quý III năm ngoái. Nhưng vì Nvidia không thể bán phần cứng đắt nhất của mình tại Trung Quốc, nên quốc gia này tiếp tục chiếm một tỷ lệ phần trăm nhỏ hơn trong tổng doanh thu của nhà sản xuất chip.

Trong quý III, doanh số bán hàng tại Trung Quốc chiếm 15,4% tổng doanh thu của công ty, giảm so với mức 22,2% trong cùng kỳ năm ngoái.

Và trong quý II, Trung Quốc chiếm 12,2% tổng doanh số bán hàng của Nvidia, giảm so với mức 20,2% của năm ngoái. Đây là xu hướng chắc chắn sẽ tiếp tục. Nhưng theo ông Andrew Chang, giám đốc công nghệ tại S&P Global Ratings, Nvidia sẽ có thể chịu được sự suy giảm này.

“Đối với Nvidia, đây là một mất mát nhưng không đáng kể. Điều này không có nghĩa là Nvidia không muốn cạnh tranh ở Trung Quốc, nhưng việc mất Trung Quốc không phải là thảm họa như bạn nghĩ", ông Chang nói với Yahoo Finance.

Lệnh cấm vận chuyển chip Nvidia của Mỹ sang Trung Quốc có nghĩa là các công ty Trung Quốc buộc phải phát triển bộ xử lý cạnh tranh của riêng họ.

Kết hợp với các hạn chế trước đó về việc bán công nghệ bán dẫn của Mỹ cho Huawei, hiện có hai hệ sinh thái bán dẫn đang hình thành và cạnh tranh với nhau: một hệ sinh thái dựa trên Mỹ và các đồng minh của Mỹ và hệ sinh thái còn lại dựa trên Trung Quốc và các đồng minh của chính họ.

Tuần trước, 4 nhóm công nghiệp Trung Quốc bao gồm viễn thông, ô tô, chất bán dẫn và kinh tế kỹ thuật số đã khuyên các công ty Trung Quốc tránh sử dụng chip của Mỹ, cáo buộc rằng chúng không còn an toàn để sử dụng trong nước mà không đưa ra lý do cụ thể.

Tuy nhiên, việc ngành công nghiệp bị chip thành hai hệ sinh thái cạnh tranh chắc chắn sẽ gây tổn hại cho các công ty lớn như Apple, nơi bán sản phẩm của mình tại cả Mỹ và Trung Quốc, bằng cách thêm vào những phức tạp không cần thiết cho chuỗi cung ứng vốn đã rất lớn.

“Nó sẽ tạo ra những thách thức to lớn cho hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia. Tình hình đó… không mấy tốt đẹp cho cộng đồng doanh nghiệp”, Phó giáo sư Lori Yue của Trường Kinh doanh Columbia giải thích.

Trong khi ngành công nghiệp chip tách biệt vẫn chưa phải là điều tất yếu, Mỹ và Trung Quốc chắc chắn đang tiến ngày càng xa hơn theo hướng đó.

Theo Yahoo Finance