Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đang là xu hướng tiêu dùng hiện nay trên toàn thế giới. Với Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Khoảng 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Điều này được thể hiện qua mức độ phổ biến của các sản phẩm xanh thuộc các ngành hàng khác nhau. Báo cáo của Euromonitor cho thấy thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đạt giá trị 100 triệu USD vào năm 2023, tăng trưởng 20% so với năm 2020. Doanh số bán sản phẩm tẩy rửa sinh học tăng 15% trong năm 2022 so với năm 2021.
Các khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm được dán nhãn "xanh". Kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam cho biết, 60% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào các sản phẩm này, và 55% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ môi trường.
Những năm qua, nhiều mô hình tiêu dùng xanh được cộng đồng hưởng ứng như: Gói rau, củ, quả bằng lá chuối; dùng bình nước bằng thủy tinh, ống hút bằng tre hoặc giấy; sử dụng ly giấy thay ly nhựa, túi vải thay túi nilong… Những sản phẩm thân thiện với môi trường đang được người tiêu dùng hưởng ứng tích cực và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới. Hiện nay có nhiều cửa hàng, siêu thị… người dân đã lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường sử dụng thường xuyên, trở thành xu hướng mới trong tiêu dùng của người dân.
Việt Nam đang triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh cũng được quan tâm nhiều hơn. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999),... Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như: Chương trình cấp Nhãn sinh thái (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương); Nhãn sinh thái cho ngành du lịch cũng được triển khai.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với sản xuất xanh là yêu cầu nguồn lực rất lớn, đặc biệt là giai đoạn đầu tư ban đầu, trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới chi phí, giá thành của sản xuất. Do đó, giá bán của các sản phẩm xanh thường có xu hướng cao hơn so với những sản phẩm thông thường. Đó là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi quyết định lựa chọn sản phẩm xanh. Hơn nữa, vẫn có những doanh nghiệp lợi dụng thông tin của các sản phẩm xanh để bán giá cao, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; khiến người tiêu dùng không yên tâm khi lựa chọn sử dụng những sản phẩm được gắn mác sản phẩm xanh.
Do đó, để hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.
An Mai (t/h)