Nhu cầu sản xuất và tiêu thụ thép trong nước và thế giới tăng cao, kéo theo khối lượng quặng và khoáng sản nhập khẩu tăng mạnh.
Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8, Việt Nam đã nhập khẩu 16,1 triệu tấn quặng và khoáng sản với trị giá 1,78 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng nhập khẩu đã tăng 23,8%, trong khi kim ngạch tăng 25,3%.
Trong số các thị trường nhập khẩu, Australia là đối tác lớn nhất, cung cấp cho Việt Nam 6,7 triệu tấn quặng và khoáng sản, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước, với kim ngạch đạt 782 triệu USD, tăng 39,3%. Brazil đứng thứ hai, với lượng nhập khẩu đạt 4,26 triệu tấn, tăng 55%, và kim ngạch đạt 509 triệu USD, tăng 45,3%.
Đáng chú ý, lượng nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh từ 11.571 tấn lên 166.258 tấn, trong khi Ấn Độ cũng ghi nhận mức tăng với 130.372 tấn, tăng 8,7%.
Các thị trường khác như Lào, Thái Lan, và Campuchia cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể. Việt Nam đã nhập khẩu 1,2 triệu tấn từ Lào, tăng 18,8%, với kim ngạch 46,6 triệu USD, tăng 23,9%. Lượng nhập khẩu từ Thái Lan đạt 684.709 tấn, tăng 18,5%, với kim ngạch 53,9 triệu USD, tăng 127%. Campuchia đặc biệt nổi bật với lượng nhập khẩu tăng tới 247%, đạt 444.677 tấn, và kim ngạch đạt 37,2 triệu USD.
Trong khối ASEAN, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Malaysia 40.479 tấn, tăng 47,9%, với kim ngạch 9,2 triệu USD, tăng 29,5%.
Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên, đặc biệt là “của trời” (tài nguyên thiên nhiên) như rừng cây, các động vật, thực vật quý hiếm, các mỏ khoáng sản, các nguồn nước, dầu, khí. Tuy nhiên do nhu cầu sản xuất và tiêu thụ thép trong nước tăng cao nên nhập khẩu quặng và khoáng sản của Việt Nam gia tăng mạnh mẽ.
Hiện nay, nước ta có đến hơn 5.000 điểm mỏ, quặng. Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, xếp thứ 65 về tuổi địa chất, có 60/200 loại khoáng sản phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, một số loại khoáng sản quy mô trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới, có ý nghĩa chiến lược và là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Ví dụ như bô xít (5,8 triệu tấn) đứng thứ 2 thế giới, fluorit (5 nghìn tấn) đứng thứ 5 thế giới, apatit (0,778 triệu tấn), titan (15,71 triệu tấn), than (3.520 triệu tấn), đất hiếm (22 triệu tấn) đứng thứ 2 thế giới và đá granit (15 tỷ m3), vonfram (100 nghìn tấn) đứng thứ 3 thế giới...
Việt Nam đặt mục tiêu hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á hiện nay.
Minh An (t/h)