Nhu cầu giảm mạnh, xuất khẩu sắn gặp khó
Xuất Nhập Khẩu

Nhu cầu sắn lát giảm mạnh trong năm nay, khiến hàng tồn kho tăng cao, một số doanh nghiệp buộc phải mở kho bán xả lỗ, quay vòng tài chính cho vụ mới 2024-2025.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 10/2024 đạt 150 nghìn tấn, đem về 69,5 triệu USD. Luỹ kế 10 tháng năm 2024, tổng khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 2,1 triệu tấn, với kim ngạch 948,7 triệu USD, giảm 13,8% về khối lượng và giảm 7,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023…

Nhu cầu giảm mạnh, xuất khẩu sắn gặp khó- Ảnh 1.

Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 459 USD/tấn, tăng 7,1% so với cùng năm 2023. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 91,3% thị phần, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nhu cầu sắn lát giảm mạnh trong năm nay. Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh nhập khẩu sắn lát. Nguyên nhân nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc giảm mạnh là do giá ngô thấp nên các nhà máy chế biến sắn tăng tỷ lệ sử dụng ngô thay cho sắn lát.

Trong khi sản phẩm sắn lát đang gặp khó, thì nhu cầu tinh bột sắn của thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, nhu cầu nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc đã giảm mạnh, đang tác động tới giá sắn Việt Nam. Giá tinh bột sắn chào bán về các cảng chính của Trung Quốc đều ở mức thấp, khiến cho giá tinh bột sắn Việt Nam đang giảm xuống.

Cụ thể, trong những ngày đầu tháng 11/2024, giá tinh bột sắn xuất khẩu được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 460-480 USD/tấn (FOB) tại cảng TPHCM, giảm 20 USD/tấn so với đầu tháng 10. Giá tinh bột sắn xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái cũng dao động ở mức 3.400-3.520 CNY/tấn, giảm 1.000 CNY/tấn.

Trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng mạnh nhất ở thị trường Pakixtan với mức tăng 82,1% và giảm mạnh nhất ở thị trường Nhật Bản với mức giảm 65,9%.

Hiệp hội Sắn Việt Nam dự báo, thị trường sắn lát vụ 2024-2025 sẽ tiếp tục có xu hướng giảm cả giá và nhu cầu. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp còn sắn lát tồn kho vụ 2023-2024 đang buộc phải mở kho bán xả lỗ, quay vòng tài chính cho vụ mới 2024-2025. 

Để trợ lực ngành sắn, năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Phấn đấu đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.

Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến tuần hoàn trong ngành hàng sắn, tận dụng mọi phụ phẩm trong chế biến sắn để tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường nhằm mở thêm thị trường, thị phần, đa dạng chủng loại hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu các sản phẩm từ sắn…

Minh An