Theo ước tính sơ bộ, tính đến hết tháng 10 năm nay, các doanh nghiệp Việt đã chi gần 1,38 tỷ USD để nhập khẩu các loại thịt và phụ phẩm chăn nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này tăng 14,2%.
Theo hải quan, phần lớn nguồn cung đến từ Ấn Độ, Mỹ, Nga và Đức. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống; thịt lợn và thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh...
Đáng chú ý, trong quý III vừa qua, lượng nhập khẩu thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò,... tăng so với quý cùng kỳ năm 2023.
Thịt nhập khẩu có giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm trong nước. Nhiều loại thịt heo, gà đông lạnh có giá bằng một nửa hàng nội địa, tạo sức hút lớn trên thị trường.
Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng thịt nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam đang tạo sức ép lớn lên ngành chăn nuôi trong nước. Dịch tả heo châu Phi lan rộng từ đầu năm đã làm giảm nguồn cung thịt nội địa và khiến giá thịt trong nước khó cạnh tranh hơn. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, hàng nhập giá rẻ có thể tiếp tục gây áp lực, làm suy yếu nỗ lực phục hồi của ngành sau dịch bệnh.
Ngoài ra, nguồn thịt nhập khẩu đối diện rủi ro an toàn thực phẩm. Theo Cục Thú y, từ tháng 5 đến tháng 9, trong 6.679 lô thịt nhập khẩu kiểm tra, có hơn 1% lô hàng dương tính với vi khuẩn Salmonella (gây bệnh đường ruột) và đã bị loại bỏ. Điều này cho thấy nguy cơ tiềm ẩn về an toàn thực phẩm với người tiêu dùng nếu biện pháp kiểm dịch và giám sát không được thắt chặt.
Trao đổi với báo chí về những vấn đề liên quan đến nhập khẩu thịt và các loại phụ phẩm về Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, những sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất chặt chẽ của Việt Nam. Điều này cũng giống như Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường đều phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của họ.
“Nước ta giờ đã có vị thế, có tiềm lực. Thế nên, không phải bất cứ sản phẩm gì cũng đổ vào được”, Thứ trưởng cho hay.
Trước tình trạng thịt nhập khẩu tăng mạnh, cơ quan quản lý thị trường cũng đã tăng cường giám sát để loại bỏ hàng hóa không đạt chuẩn. Cục Thú y cho biết đang hợp tác với quốc gia xuất khẩu nhằm đảm bảo chất lượng, nhưng các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam tiếp tục siết chặt công tác kiểm dịch để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ thực phẩm nhiễm khuẩn.
Huyền My (t/h)