Ngày Thẻ Việt Nam 2024 hướng đến nhóm đối tượng học sinh, sinh viên và gia đình trẻ có độ tuổi từ 15 - 40, có nhu cầu sử dụng các phương thức thanh toán số, thanh toán trực tuyến thông qua các dịch vụ internet banking, mobile banking của ngân hàng cũng như các dịch vụ ngân hàng được tích hợp trên nền tảng của bên thứ ba
Ngày 26/09, Ban tổ chức Ngày Thẻ Việt Nam chính thức công bố sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2024. Đây là sự kiện thường niên được sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước, được tổ chức bởi Báo Tiền Phong và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS). Sự kiện Ngày Thẻ Việt Năm 2024 được tổ chức với chủ đề Sống Chill – Thanh toán chất.
Qua 3 lần triển khai, chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam đã góp phần thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của giới trẻ. Tiếp nối những thành công đạt được từ ba năm 2020, 2021 và 2023, Ngày Thẻ Việt Nam 2024 tiếp tục góp phần hiện thực hoá các mục tiêu Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Các tổ chức tín dụng đang có xu hướng dịch chuyển từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng mở.
Tại sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2024 lần này, khái niệm về Ngân hàng mở (Open Banking) được đề cập trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đứng trước cuộc cách mạng số hóa toàn diện, ngân hàng chia sẻ dữ liệu dữ liệu với bên thứ 3 để mang đến trải nghiệm mới mẻ, vượt trội cho khách hàng. Xu hướng ngân hàng mở là một trong những xu hướng, động lực chính thúc đẩy sự thay đổi, hứa hẹn tạo ra bước phát triển đột phá về cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Ngày Thẻ Việt Nam 2024 hướng đến nhóm đối tượng học sinh, sinh viên và gia đình trẻ có độ tuổi từ 15 - 40, có nhu cầu sử dụng các phương thức thanh toán số, thanh toán trực tuyến thông qua các dịch vụ internet banking, mobile banking của ngân hàng cũng như các dịch vụ ngân hàng được tích hợp trên nền tảng của bên thứ ba như các nền tảng dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, đặt phòng trực tuyến, dịch vụ di chuyển…
Phát biểu tại sự kiện họp báo công bố Ngày thẻ Việt Nam 2024, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhận định: "Các tổ chức tín dụng đang có xu hướng dịch chuyển từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, tăng cường sự kết nối và tích hợp công nghệ trong nhiều lĩnh vực, trở thành cầu nối trao đổi thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện tốt các hoạt động thanh toán tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh với mục tiêu khách hàng là trung tâm, nhiều lựa chọn, dịch vụ được cá nhân hóa tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật, qua đó góp phần phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt đến với người dân, doanh nghiệp".
Ông Phạm Anh Tuấn cũng tin tưởng rằng, với chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2024 sẽ định hướng cho giới trẻ Việt Nam và các ngân hàng có một sân chơi trực tiếp, đa dạng để tiếp cận, đưa ra các trải nghiệm thực tế về hình thức thanh toán hiện đại, tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam như thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán không dây trong phạm vi ngắn – NFC (Near-Field Communications), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua ứng dụng Mobile banking, … kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.
Để thúc đẩy quá trình số hóa ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có thanh toán thẻ, truyền thông giáo dục tài chính cũng có vai trò quan trọng. Thời gian qua, công tác truyền thông ngành Ngân hàng đã không ngừng được đổi mới, sáng tạo với nhiều nội dung phong phú, hình thức thể hiện đa dạng, ứng dụng công nghệ hiện đại tăng tính lan tỏa, đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện đối với công chúng.
NHNN đã và đang phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông sản xuất chương trình giáo dục tài chính như: "Tiền khéo Tiền khôn", "Đồng tiền thông thái", "Tay hòm chìa khóa". Đặc biệt, NHNN đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng Fanpage Giáo dục tài chính giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, trong đó có các dịch vụ TTKDTM, cảnh báo các chiêu trò lừa đảo của tội phạm công nghệ, hướng dẫn người dân cách sử dụng dịch vụ ngân hàng và các kỹ năng về an ninh, an toàn, bảo mật trong TTKDTM nói riêng và dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số nói chung.
Chủ đề Ngày Thẻ Việt Nam 2024 Sống chill - Thanh toán chất
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Đồng Trưởng Ban Tổ chức Ngày Thẻ Việt Nam 2024 nhận định: "Sự thay đổi mạnh mẽ trong mọi mặt đời sống, với sự ra đời và sức ảnh hưởng của chat GPT, cách mạng 4.0, lĩnh vực ngân hàng luôn tiên phong nêu cao ngọn cờ chuyển đổi số, khiến cho nó đi vào đời sống nhanh nhất và phục vụ người dân một cách hiệu quả nhất. Chủ đề Ngày Thẻ Việt Nam 2024 Sống chill - Thanh toán chất bắt kịp xu thế phát triển ấy. Chúng tôi tin rằng, chuỗi hoạt động đa dạng, sôi nổi của Ngày Thẻ Việt Nam 2024 sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo GenZ - những người nắm bắt công nghệ, làm chủ công nghệ và tiến tới là lực lượng nòng cốt, làm chủ đất nước. Một trong những hoạt động nổi bật của Ngày Thẻ Việt Nam là hoạt động thiện nguyện. Năm nay Ban tổ chức quyết định kêu gọi và quyên góp để thực hiện trao tặng một phòng học máy tính cho một điểm trường ở vùng bị ảnh hưởng nặng nề trong cơn bão YAGI".
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cũng chia sẻ, xuất phát từ thực tế sự phát triển nhanh chóng và đột phá của thanh toán không dùng tiền mặt qua 4 mùa tổ chức Ngày thẻ Việt Nam, Ban tổ chức đang xin ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc đổi tên gọi chương trình Ngày thẻ Việt Nam. Tên gọi mới đảm bảo phù hợp hơn với xu thế phát triển của các phương thức thanh toán số trong tương lai.
Thanh Thủy