Ngành gỗ Việt đối mặt với mức thuế quan mới
Xuất Nhập Khẩu

Triển vọng xuất khẩu trong năm 2025 của ngành gỗ Việt rất khả quan nhưng biến động về chính sách thương mại ở các thị trường quan trọng như Mỹ cũng tạo ra không ít thách thức cho mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp và của cả ngành gỗ.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2024, đạt trên 10 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,3 tỷ USD, tăng 20,9%. Trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 9,1 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD.

Ngành gỗ Việt đối mặt với mức thuế quan mới- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2025, ngành gỗ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 18 tỷ USD - kỷ lục mới của ngành. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Việt Nam vào Mỹ được dự đoán sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2024. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm nội thất bền vững, tái chế tại Mỹ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy ngành này.

Triển vọng xuất khẩu trong năm 2025 của ngành gỗ rất khả quan nhưng biến động về chính sách thương mại ở các thị trường quan trọng như Mỹ cũng tạo ra không ít thách thức cho mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp và cả ngành.

Vừa qua, Mỹ thông báo sẽ bổ sung gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp vào danh mục bị áp thuế nhập khẩu, dự kiến trong tháng tới hoặc có thể sớm hơn. Thông tin này khiến ngành gỗ Việt càng đối mặt với khó khăn, áp lực nhiều hơn.

Bởi các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ giảm lợi thế cạnh tranh. Kéo theo nền kinh tế nước ta sẽ chịu nhiều tác động, làm suy giảm tăng trưởng GDP, vì xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Nhiều rủi ro thương mại đến từ việc bị áp thuế trừng phạt, tình trạng hàng hóa nước khác"núp bóng" xuất xứ Việt Nam...

Hơn thế nữa, Việt Nam đang có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, lên đến hơn 113 tỷ USD, nên có nguy cơ trở thành mục tiêu điều tra chống bán phá giá hoặc các biện pháp hạn chế khác.

Trước tình hình trên, Hiệp hội xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp và hiệp hội ngành gỗ Việt Nam cần theo dõi sát sao thông tin áp thuế từ Mỹ. Song song với đó, tăng cường hợp tác và đối thoại với các đối tác nhập khẩu từ Mỹ, các cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Việt Nam.

Đáng chú ý, nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra giải pháp ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ bằng cách tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ để trì hoãn việc đánh thuế của chính quyền ông Trump. Còn đối với doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực pháp lý và cải thiện quản trị rủi ro và nhất là cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Về lâu dài, để xuất khẩu bền vững, tránh rủi ro, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về môi trường với giá cả hợp lý để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công thương đã chỉ đạo các vụ thị trường nước ngoài, hệ thống các thương vụ theo dõi sát, nắm bắt thông tin về tình hình thị trường, biến động kinh tế, chính trị, chính sách... ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam để kịp thời tham mưu với Chính phủ những phản ứng chính sách phù hợp.

Minh An (t/h)