Ngành giấy là một trong những ngành có tiềm năng lớn trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn, yếu tố quan trọng để thực hiện chuyển đổi xanh, đạt được nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn không chỉ phù hợp với xu hướng chính sách trên toàn thế giới, mà còn được hỗ trợ bởi các nguồn tài chính xanh, sự phát triển của khoa học công nghệ và chuyển đổi số Việt Nam đã và đang hoàn thiện chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện một cách có hệ thống để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực.
Trong đó, ngành giấy là một trong những ngành có tiềm năng lớn trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Giấy là một sản phẩm có thể tái chế nhiều lần và việc xây dựng hệ thống thu gom, tái chế giấy hiệu quả có thể giúp giảm đáng kể lượng rác thải chôn lấp cũng như giảm nhu cầu khai thác nguyên liệu thô. Các mô hình tái chế giấy đã và đang được triển khai thành công ở nhiều quốc gia, đem lại những kết quả tích cực. Đây là minh chứng rõ nét cho tiềm năng của kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), hiện nay, Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất giấy, trong đó 20 doanh nghiệp lớn đóng góp 65% sản lượng. Sản lượng toàn ngành đạt 8,2 triệu tấn, sản lượng thực tế 5,7 triệu tấn, trong đó giấy bao bì chiếm trên 80%.
Giấy thu hồi, từ trong nước và nhập khẩu, vẫn là nguồn nguyên liệu chủ lực. Ngành giấy được xem là hình mẫu lý tưởng cho kinh tế tuần hoàn khi gần như toàn bộ chất thải đều có thể được tái chế, tái sử dụng. Dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới, ngành vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu bột giấy do chưa tận dụng hết tiềm năng nguồn nguyên liệu trong nước.
Tại Hội thảo "Kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy Việt Nam", các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy, bao gồm: Thiết kế sản phẩm: Phát triển sản phẩm giấy có định lượng thấp, chất lượng cao, giảm sử dụng giấy trắng phủ, tăng cường sử dụng thùng carton bền vững.
Sử dụng năng lượng tái tạo: Tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió và điện sinh khối trong sản xuất.
Giảm tiêu hao năng lượng và nước sạch: Nâng cao hiệu quả sử dụng điện, hơi sấy, nước sạch trong sản xuất.
Tăng cường thu gom và tái chế: Khuyến khích thu gom và tái chế sản phẩm giấy đã qua sử dụng.
Đầu tư cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường: Tăng cường đầu tư cho ESG (môi trường, xã hội, quản trị).
Ngành giấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển xanh của đất nước. Việc thúc đẩy ứng dụng kinh tế tuần hoàn là một bước đi cần thiết để ngành giấy Việt Nam có thể vươn lên vị thế mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Minh An (t/h)