Quan điểm trên được nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn “Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững”, tổ chức sáng 30/8 tại Hà Nội.
Diễn đàn được tổ chức nhằm phát huy, nâng cao vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, góp phần cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo ông Nguyễn Đức Lợi, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.
Toàn cảnh Diễn đàn "Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững" do Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, với dân số 100 triệu người nên nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng (điện, than, dầu, khí, gas…) cho sản xuất và tiêu dùng là rất lớn. Nghiên cứu về phát thải carbon thấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy: Việt Nam có thể tránh được đầu tư mới tới 12.000MW công suất nguồn phát điện vào năm 2030 nếu thực hiện được toàn diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ phía cầu sử dụng năng lượng.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp, chương trình, đề án quốc gia, cũng như những hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong toàn xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zezo vào năm 2050.
Điển hình, Nghị quyết số 55 Bộ Chính trị (2020) về "Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045" nêu rõ tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân.
Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn
Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); đặt mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Theo chia sẻ của ông Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban Thư ký Biên tập Đài tiếng nói Việt Nam, mục tiêu lâu dài của việc tuyên truyền là làm sao để các chủ trương, chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng được thực hiện và đi vào cuộc sống. Muốn vậy truyền thông phải có những giải pháp cụ thể để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia tích cực của tất cả các khách hàng sử dụng điện trên phạm vi toàn quốc.
Vấn đề sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng được nhiều đại biểu quan tâm
Bà Nguyễn Thị Sự - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền vẫn còn mang tính thời vụ. Để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông, thông tin về chủ đề này cần thường xuyên, liên tục, các cơ quan báo chí cần duy các chuyên mục, chuyên đề, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin để công chúng dễ tiếp cận, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng bền vững…
Diễn đàn đã góp tiếng nói chung trong quá trình nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm, lợi ích của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời cũng là dịp để đại diện các cơ quan báo chí, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về thực trạng, tiềm năng phát triển ngành năng lượng, những mô hình công nghệ tiết kiệm năng lượng, những chiến lược tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả cho sự phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian tới.
Phương Loan - Thanh Tùng