Theo kế hoạch phê duyệt nâng hạng, FTSE Russell có thể nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9/2025.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi phụ thuộc vào đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2024 là giai đoạn nước rút trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, với hai vấn đề cần cải thiện để đáp ứng đủ tiêu chí nâng hạng là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài.
Trong chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) xử lý các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2024 để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi vào 2025.
Nhưng để hiện thực hóa mục tiêu này, theo các chuyên gia, điều cần làm là cải thiện tiêu chí để đáp ứng yêu cầu từ các tổ chức như Morgan Stanley Capital International (MSCI), FTSE Russell. Trong đó, ngay trong tháng 9 của năm nay, FTSE Russell sẽ công bố danh sách xem xét nâng hạng. Đặc biệt, FTSE Russell có thể nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9/2025.
Được vào danh sách sẽ giúp khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam được cải thiện.
Việt Nam sẽ ngay lập tức thu hút được khoảng 2,5 tỷ USD khi được nâng hạng thị trường. Dòng vốn sẽ còn tăng hơn nữa bởi Việt Nam được giới đầu tư coi điểm sáng nhờ tiềm năng tăng trưởng cao trong khoảng thời gian dài so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Trong khi đó, với MSCI, tổ chức này đánh giá thị trường Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng. Thậm chí, với các tiêu chí khắt khe so với FTSE Russell thì 9 tiêu chí thị trường Việt Nam chưa đáp ứng vẫn không có sự cải thiện trong giai đoạn 2021-2023.
MSCI cũng chỉ ra nhiều yếu tố Việt Nam cần thay đổi, trong đó có hai điểm có thể sớm được cải thiện, gồm quy trình đăng ký mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) do hiện nay NĐTNN bắt buộc phải đăng ký giao dịch và thiết lập tài khoản cần có sự chấp thuận của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD); việc công bố thông tin về quy định pháp luật, doanh nghiệp bằng ngôn ngữ tiếng Anh để NĐTNN có thể tiếp cận và nắm bắt kịp thời – công bằng như nhà đầu tư trong nước.
Minh An (t/h)