Nâng cao năng lực chế biến, bảo quản tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản
Kinh Doanh

Công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản ở Việt Nam hiện có nhiều nhưng phải tìm cách để đưa những công nghệ này ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Tại “Hội thảo nâng cao năng lực trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông lâm thủy sản theo các quy định đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và nhu cầu thị trường”, PGS. TS Trần Lan Hương, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết khả năng chế biến nông sản của Việt Nam hiện nay chỉ đạt khoảng 8%, 92% còn lại chủ yếu tiêu thụ dưới dạng tươi, trong khi tỷ lệ chế biến nông sản của thế giới đã đạt đến 37%.

Nâng cao năng lực chế biến, bảo quản tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản - Ảnh 1.

Trong số sản phẩm đã chế biến thì sản phẩm sấy chiếm 10%, nước đóng chai chiếm 40%, sản phẩm được đông lạnh chiếm 36%, sơ chế khác chiếm 14%.

Còn Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thông tin, 70% nông sản ở miền Bắc sản xuất ra được tiêu thụ dưới dạng tươi.

Tại Hà Nội, toàn thành phố có đến 14.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có gần 11.000 cơ sở chế biến nhưng 80% là cơ sở kinh doanh còn nhỏ lẻ. Các cơ sở sơ chế, chế biến ở Hà Nội hiện nay gồm 3 loại hình: doanh nghiệp (36,5%), HTX (2,5%), hộ gia đình (61%). Đến nay, công nghệ bán tự động được các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình áp dụng chiếm 70%.

Việc hơn 90% nông sản hiện vẫn được tiêu thụ dưới dạng tươi đã tạo ra sự bất cập trên thị trường, bởi theo khảo sát, khoảng 20-25% các thực phẩm chế biến, ăn liền trong nước mới đạt tiêu chuẩn để đưa vào tiêu thụ trên hệ thống các cửa hàng, siêu thị của thành phố và cũng mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu của người dân, còn lại là nhập khẩu từ nước ngoài và từ các tỉnh khác.

Về sản phẩm nông sản xuất khẩu, theo các chuyên gia, các thị trường như Mỹ, EU… thường đánh giá cao những sản phẩm đã qua chế biến. Và dù có xuất khẩu nông sản tươi thì vẫn cần ứng dụng những công nghệ phù hợp để giữ độ tươi được lâu hơn nhằm nâng giá trị kinh tế cho HTX, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sản xuất nông sản tươi là thế mạnh của Việt Nam và nhiều nước cũng muốn nhập nông sản tươi của Việt Nam. Nhưng làm sao áp dụng được công nghệ giữ tươi, kéo dài thời gian tươi cho nông sản nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu thì phải cần có sự bắt tay giữa HTX, doanh nghiệp, cơ quan quản lý.

Ngoài ra, yếu tố nguyên liệu đầu vào cũng hết sức quan trọng. Vì nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng qua khâu sơ chế, chế biến bằng máy móc mới cho ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Như vậy, công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản vẫn rất cần thiết để nông sản tươi lâu hơn cũng giúp nâng cao giá trị và thúc đẩy xuất khẩu. Chính vì thế, mục tiêu chính trong giai đoạn tới là đầu tư vào công nghệ, xây dựng chính sách hỗ trợ công nghệ về bảo quản, chế biến sâu, đóng gói với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, đăng ký bảo hộ thương hiệu cho nông sản.

Tuy nhiên, phát triển hệ thống chế biến nông sản theo hướng hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế vẫn là câu chuyện dài, đòi hỏi phải giải quyết hàng loạt vấn đề từ xác định thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sau đó là cơ chế, chính sách, nguồn vốn, công nghệ... 

Các cơ quan chuyên trách có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các chính sách hỗ trợ và pháp lý thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ vào ngành nông nghiệp, ưu đãi về thuế, lãi suất vay… Đồng thời, cũng cần bảo đảm việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn thông qua hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đóng một vai trò chủ đạo trong nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản. Sự đầu tư và cam kết của doanh nghiệp là yếu tố quyết định đến thành công của quá trình này. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường.

Minh An (t/h)