Năm 2025, Chính phủ dự kiến vay hơn 815.000 tỷ đồng
Tài Chính - Đầu Tư

Nợ Chính phủ của Việt Nam được các tổ chức trên thế giới đánh giá là ổn định và thấp hơn nhiều so với các quốc gia có cùng xếp hạng. Chính phủ dự kiến đến cuối năm các chỉ tiêu nợ "nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn" đã được Quốc hội quyết định.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký báo cáo số 632/BC-CP của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình nợ công năm 2024, dự kiến 2025.

Năm 2025, Chính phủ dự kiến vay hơn 815.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, năm 2024, nợ công ước đạt 36-37% GDP, tương đương 4-4,1 triệu tỷ đồng; tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP đạt 33-34%; nợ nước ngoài của quốc gia/GDP khoảng 32-33%. Các chỉ tiêu này chỉ tương đương 60-70% mức trần cho phép.

Các khoản trả nợ nước ngoài năm nay dự kiến chiếm khoảng 8-9% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, vẫn trong giới hạn được Quốc hội cho phép (25%).

Báo cáo cho biết các khoản nợ Chính phủ có 76% từ nguồn vay trong nước, chủ yếu là trái phiếu. Hiện khối công ty bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các quỹ đầu tư, công ty tài chính nắm 62,5% tổng dư nợ trái phiếu Chính phủ. Phần còn lại do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư khác nắm giữ.

Với nợ nước ngoài, các chủ nợ chủ yếu là đối tác phát triển đa phương và song phương như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chiến lược quản lý nợ chủ động giúp làm giảm thiểu rủi ro thanh khoản của Chính phủ. Vị thế nợ được cải thiện, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn huy động bên ngoài.

Bước sang năm 2025, tổng nhu cầu vay của Chính phủ dự kiến 815.238 tỷ đồng, tăng 20,6% so với kế hoạch năm 2024. Gồm vay của ngân sách trung ương là 804.242 tỷ đồng, tăng 21,9% so với dự toán năm 2024, còn lại là vay nước ngoài về cho vay lại.

Nguồn huy động gồm phát hành trái phiếu Chính phủ, vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trường hợp cần thiết sẽ huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 468.542 tỷ đồng (tương đương khoảng 24% thu ngân sách). Gồm trả nợ gốc khoảng 361.142 tỷ đồng, trả nợ lãi khoảng 107.400 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 38.407 tỷ đồng (trả gốc khoảng 28.054 tỷ đồng, trả lãi khoảng 10.353 tỷ đồng).

Trong cơ cấu trả nợ trực tiếp của Chính phủ, trả nợ trong nước dự kiến chiếm khoảng 87,5%. Phần còn lại là trả nợ vay ODA, ưu đãi nước ngoài. Nguồn trả nợ lãi được bố trí trong dự toán ngân sách. Nguồn trả nợ gốc được bố trí từ huy động vay mới là những nguồn vay trong nước.

Đối với bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước và ngoài nước, dự kiến trong năm 2025 Chính phủ không xem xét cấp bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án để vay vốn.

Dự kiến đến cuối năm 2025, dư nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước khoảng 5.039 tỉ đồng, bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 58.454 tỉ đồng.

Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, dự kiến phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh bằng mức trả nợ gốc đến hạn là 10.800 tỉ đồng. Dự kiến dư nợ bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển khoảng 76.071 tỉ đồng, cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 77.731 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, Chính phủ nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp về quản lý nợ công. Đảm bảo công tác vay, trả nợ công trong phạm vi đã được phê duyệt.

Theo dõi chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ đảm bảo trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Rà soát, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách.

Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp, đúng quy định để huy động đủ nguồn lực cho nhu cầu của ngân sách. Rà soát vướng mắc, chồng chéo liên quan tài chính ngân sách, đầu tư công, vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài.

An Mai (t/h)