Mỹ chi 1.200 tỷ USD thanh toán lãi vay, làm ‘nổ tung’ ngân sách
Quốc Tế

Chính phủ Mỹ đang trên đà chi gần 1.200 tỷ USD cho các khoản thanh toán lãi suất cho nợ quốc gia trong năm nay, vượt qua chi tiêu quân sự lần đầu tiên trong lịch sử. Thanh toán lãi suất cho nợ quốc gia vượt 1.000 tỷ USD

Bộ Tài chính Mỹ trong tuần qua đã công bố báo cáo cho thấy chính phủ nước này lần đầu tiên đã chi hơn 1.000 tỷ USD trong năm nay để trả lãi cho khoản nợ quốc gia trị giá 35,3 nghìn tỷ USD. 

Cụ thể, chính phủ Mỹ đã chi 1.049 tỷ USD để trả lãi, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và là một phần của khoản thanh toán dự kiến ​​là 1.158 tỷ USD cho cả năm. 

Bộ Tài chính Mỹ ở Washington, ngày 20/1/2023. (Anhr: Kevin Lamarque/Reuters)

Hai yếu tố chính đã đẩy những khoản thanh toán đó tăng vọt. Thứ nhất, chính phủ Mỹ đã chi hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ các hộ gia đình và nền kinh tế trong suốt thời kỳ đại dịch Covid-19, và trả bằng cách vay thay vì tăng thuế.

Thứ hai, Fed đã tăng lãi suất bắt đầu từ năm 2022 để chống lạm phát và giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức cao nhất trong 23 năm, điều này đã đẩy số tiền mà chính phủ phải trả lãi lên cao.

Theo nhà kinh tế trưởng Torsten Sløk của Apollo Global Management, với khoản nợ hiện tại của Mỹ, chi phí trả lãi trung bình vào khoảng 3 tỷ USD/ngày.

Chi phí lãi suất ròng là khoản mục tốn kém thứ ba trong ngân sách sau phúc lợi an sinh xã hội và chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare. 

Các khoản thanh toán lãi suất chiếm 2,4% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ vào năm 2023 và Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính con số này có thể tăng lên 3,9% trong 10 năm tới. 

Các nhà kinh tế ngày càng lo ngại về tác động tiềm tàng của các khoản thanh toán đó đối với nền kinh tế Mỹ. Điều đó khiến thâm hụt năm 2024 lên tới gần 1,9 nghìn tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Khi còn một tháng nữa là kết thúc năm tài chính của chính phủ liên bang, khoản thâm hụt trong tháng 8 đã tăng 380 tỷ USD, một sự đảo ngược đáng kể so với khoản thặng dư 89 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do các thủ thuật kế toán liên quan đến việc xóa nợ cho sinh viên.

Fed được dự đoán rộng rãi sẽ hạ lãi suất vào tuần tới, nhưng chỉ giảm 1/4 điểm phần trăm, áp lực lên ngân sách có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Ông Sløk ước tính nếu Fed cắt giảm lãi suất 1 điểm phần trăm và toàn bộ đường cong lợi suất giảm 1 điểm phần trăm, thì chi phí lãi suất hàng ngày sẽ giảm từ 3 tỷ USD mỗi ngày xuống còn 2,5 tỷ USD mỗi ngày.

Tác động bởi cuộc bầu cử Mỹ 

Theo các chuyên gia, kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay có thể có tác động lớn đến quỹ đạo thâm hụt ngân sách. 

Trên thực tế, một phân tích gần đây từ Mô hình Ngân sách Penn Wharton cho thấy thâm hụt sẽ tăng dù ông Donald Trump hay bà Kamala Harris lên nắm quyền. Cả cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đều đã đề xuất cắt giảm thuế và chi tiêu mới có thể đẩy thâm hụt ngân sách lên cao. 

Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay có thể có tác động lớn đến quỹ đạo thâm hụt ngân sách.

Bà Harris đã đề xuất bù đắp những chi phí mới đó bằng cách tăng thuế đối với người giàu và các tập đoàn. Còn ông Trump đã đề xuất áp thuế quan cao đối với hàng hóa nước ngoài, nhưng các nhà kinh tế tỏ ra nghi ngờ rằng những khoản thuế đó sẽ không mang lại nhiều doanh thu so với tác động của việc cắt giảm thuế. 

Theo các đề xuất về thuế và chi tiêu của ông Trump, thâm hụt chính sẽ tăng 5,8 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới theo cơ sở thông thường và 4,1 nghìn tỷ USD theo cơ sở động, bao gồm cả các tác động kinh tế của chính sách tài khóa. 

Dưới thời chính quyền của bà Harris, thâm hụt chính sẽ tăng 1,2 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới theo cơ sở thông thường và 2 nghìn tỷ USD theo cơ sở động. 

Các nhà phân tích của JPMorgan cũng thừa nhận viễn cảnh thâm hụt lớn hơn với ông Trump.

Các khoản thanh toán lãi suất kỷ lục và thâm hụt đang gia tăng cảnh báo rằng các nhà lập pháp Mỹ rằng không thể lãng phí thêm thời gian nữa mà nên hành động cụ thể để đảm bảo tương lai tài chính của quốc gia. 

CNBC, Investopedia