Một số điểm sáng tình hình kinh tế – xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2024
Tài Chính - Đầu Tư

Những ngày tháng Bảy vừa qua, Nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài cùng bạn bè quốc tế vô cùng thương tiếc tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Người Cộng sản kiên trung, trọn một đời cống hiến cho đất nước, cho Đảng, cho Nhân dân. Di sản mà Tổng Bí thư để lại là nguồn cảm hứng, là động lực to lớn giúp chúng ta vượt mọi trở ngại, khó khăn cùng nhau vững bước trên con đường Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Trong bảy tháng năm 2024, kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới. Các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra. Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội tháng Bảy và bảy tháng của nước ta duy trì xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo. Một số điểm sáng về kinh tế – xã hội tháng Bảy và bảy tháng năm 2024 như sau:

 (1) Diện tích thu hoạch lúa hè thu sớm và gieo cấy lúa thu đông đạt khá, chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định; khai thác gỗ được đẩy mạnh; sản lượng nuôi trồng cá tra, tôm sú tăng so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thị trường xuất khẩu dần hồi phục.

Tính đến trung tuần tháng 7/2024, diện tích thu hoạch lúa hè thu sớm ước đạt 510,6 nghìn ha, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, năng suất trên diện tích đã thu hoạch tăng nhẹ, giá lúa ổn định[1]; gieo cấy lúa thu đông đạt 297,1 nghìn ha, tăng 10,7%. Tổng đàn lợn tại thời điểm cuối tháng 7/2024 tăng 3% so với cùng thời điểm năm trước; đàn gia cầm tăng 2,6%.

Hoạt động khai thác gỗ được đẩy mạnh trong bối cảnh giá gỗ nguyên liệu có xu hướng tăng. Sản lượng gỗ khai thác tháng Bảy đạt 1.945,7 nghìn m3, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; tính chung bảy tháng năm 2024 đạt 11.943,2 nghìn m3, tăng 7,1%.

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển. Trong bảy tháng năm 2024, sản lượng một số loại thủy sản chủ yếu như cá tra ước đạt 970,8 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước do giá cá tra nguyên liệu ổn định ở mức cao[2] và xuất khẩu dần hồi phục; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 425,8 nghìn tấn, tăng 5,2%; tôm sú đạt 151,2 nghìn tấn, tăng 2,3%.

(2) Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Bảy tăng 11,2%, bảy tháng năm 2024 tăng 8,5%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4% đáp ứng đầy đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Thumbnail

Hình 1: Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (%)

(3) Các hoạt động thương mại, vận tải, du lịch duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,8%); vận chuyển hành khách tăng 11,9% và luân chuyển tăng 5,5%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,5% và luân chuyển tăng 12,4%. Tính chung bảy tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 7,2% và luân chuyển tăng 10,5%; vận chuyển hàng hóa tăng 13,3% và luân chuyển tăng 11,3%.

Thumbnail

Hình 2. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 7 tháng các năm 2020-2024

Nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh nhằm tăng cường thu hút khách du lịchKhách quốc tế đến nước ta trong tháng 7/2024 ước đạt 1,15 triệu lượt người, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng  năm 2024 đạt gần 10 triệu lượt người, là mức cao nhất của cùng kỳ các năm 2020-2024[1], tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Đây là những tín hiệu khả quan để có thể đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.

Thumbnail

Hình 3: Khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng năm 2024 phân theo vùng lãnh thổ

(4) Thương mại toàn cầu được cải thiện đã tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tính chung bảy tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%. Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng tăng khá: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 51,5%; hạt tiêu tăng 46,3%; chè tăng 34,8%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 31,5%; cà phê tăng 30,9%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 30,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 30%; gạo tăng 25,1%; rau quả tăng 24,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,3%…

Cán cân thương mại hàng hóa bảy tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 14,08  tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD) thể hiện nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Thumbnail

Hình 4: Xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng các năm 2020-2024

(5) Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh đầu tư thế giới suy giảm, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tính đến ngày 20/7/2024, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 10.763,9 triệu USD, tăng 11,6% về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước có 1.627 dự án và vốn đăng ký đạt 7.935,1 triệu USD). Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức thực hiện cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020-2024[1].

Thumbnail

Hình 5: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng các năm 2020-2024 (Tỷ USD)

(6) Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi sau nhiều tháng gặp khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong bảy tháng  năm 2024 đạt 139,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 125,5 nghìn doanh nghiệp.

Thumbnail

Hình 6: Tình hình đăng ký doanh nghiệp

(7) Thu ngân sách Nhà nước tăng khá nhờ các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn. Thu ngân sách Nhà nước trong bảy tháng năm 2024 đạt hơn 1.188 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa đạt gần 995 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8%.

(8) Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp[1]. Trong bảy tháng năm nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ người dân hơn 21,3 nghìn tấn gạo nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và cứu đói giáp hạt năm 2024. Ngoài ra, các cấp, các ngành đã tặng quà tri ân nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ với hai mức quà tặng 600.000 đồng và 300.000 đồng theo từng đối tượng cụ thể.

[1] Từ 01/7/2024, Quốc hội đồng ý điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng theo Nghị quyết số 142/2014/QH15 ngày 29/6/2024. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

[1] Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện bảy tháng các năm 2020-2024 lần lượt là: 10,1 tỷ USD; 10,5 tỷ USD; 11,5 tỷ USD; 11,6 tỷ USD; 12,6 tỷ USD.

[1] Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện bảy tháng các năm 2020-2024 lần lượt là: 10,1 tỷ USD; 10,5 tỷ USD; 11,5 tỷ USD; 11,6 tỷ USD; 12,6 tỷ USD.

[1] Khách quốc tế đến Việt Nam bảy tháng các năm 2020-2024 lần lượt là: 3,76 triệu lượt khách; 95,7 nghìn lượt khách; 954,6 nghìn lượt khách; 6,61 triệu lượt khách; 9,98 triệu lượt khách.

[1]Tại Cần Thơ, giá lúa tươi cuối vụ của một số loại giống lúa cụ thể như sau: OM18 là 7.100-7.300 đồng/kg, OM5451 là 6.800-7.000 đồng/kg.

[2] http://agromonitor.vn/category/48/ca-tra: Giá cá tra nguyên liệu tháng 7/2024 dao động từ 26.200-26.600 đồng/kg.

Theo trang Thông tin điện tử Tổng cục Thống kê (www.gso.gov.vn)