Ngành mía đường Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: lượng cung lớn, tồn kho tăng, đường nhập lậu vẫn diễn ra, cạnh tranh không công bằng... khiến các doanh nghiệp sản xuất lâm vào thế khó.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết trong tháng 7/2024, ngành đường Việt Nam đã kết thúc niên vụ sản xuất đường 2023/2024. Sản lượng lũy kế từ đầu niên vụ đã ép được 10.953.400 tấn mía, tăng 113% và sản xuất được 1.147.400 tấn đường các loại, tăng 122% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, ngành mía đường vẫn ở thế "kẹt"…
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng nguồn cung đường kính cho nhu cầu nội địa của Việt Nam 2023 là 1.305.018 tấn (gồm sản xuất trong nước 935.104 tấn, nhập khẩu chính ngạch 369.914 tấn).
Tính đến cuối tháng 7/2024, tổng nguồn cung đường kính cho nhu cầu nội địa lên tới 1.336.279 tấn, gồm sản xuất trong nước 1.147.400 tấn, và nhập khẩu chính ngạch 188.879 tấn (chưa tính đường Siro Ngô). Lượng đường này đã lớn hơn tổng nguồn cung đường kính cho nhu cầu nội địa cả năm 2023 là 31.261 tấn.
Ngoài ra đến 30/07/2024, khoảng 60% lượng đường sản xuất của vụ 2023/2024 vẫn còn đang nằm trong các kho của các nhà máy đường. Như vậy tổng hợp các nguồn cung đường năm 2024 bao gồm đường sản xuất từ mía, đường nhập khẩu kinh doanh chính ngạch, đường nhập lậu, đường lỏng si rô ngô HFCS đều ghi nhận tương đương hoặc tăng so với cùng kỳ. Năm 2023 đã thừa cung và tình hình thừa cung tương tự dự báo sẽ diễn ra trong năm 2024.
Không chỉ vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam còn chỉ ra nguyên nhân: Tháng 7/2024, thị trường trong nước phản ánh sức cầu sản phẩm đường rất thấp. Trong khi đó, nguồn cung đường dồi dào từ nhập khẩu trực tiếp chính ngạch đường từ các nước ASEAN, và đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2023/24. Hơn nữa, thị trường đường còn bị bị thu hẹp bởi lượng lớn đường lỏng siro ngô nhập khẩu khiến cho thị trường tiếp tục hoàn cảnh thừa cung, đường sản xuất từ mía của các nhà máy không bán được phải tồn kho. Đường nhập lậu và đường lỏng siro ngô với ưu thế giá rẻ tiếp tục gây loạn thị trường.
Điều này dẫn đến các doanh nghiệp ngành đường vốn khó khăn sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Nhận định tháng 8/2024 và dự báo trong các tháng cuối năm, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, nguồn cung đường dồi dào từ nhập khẩu trực tiếp chính ngạch đường từ các nước ASEAN, và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2023/2024 trong khi sức cầu kém vì thị trường bị thu hẹp khiến cho thị trường tiếp tục hoàn cảnh thừa cung, khiến đường các nhà máy không bán được phải tồn kho.
"Đường nhập lậu và đường lỏng siro ngô với ưu thế giá rẻ tiếp tục làm chi phối thị trường. Vấn đề này đang gây sức ép, khiến các nhà máy đường trong nước lâm vào tình thế khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trồng mía nước ta", Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn nạn tồn kho trong nước cũng như tình hình nhập lậu đường ngày càng tăng cao, trước mắt Mía đường Việt Nam kiến nghị cần vận dụng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật hiện hành để xử lý các bất cập và khe hở pháp luật đang bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi gian lận thương mại. Cơ quan chức năng tăng cường chống buôn lậu, hạn chế hạn ngạch nhập khẩu đường, nhằm tháo gỡ bớt khó khăn, bảo vệ mặt hàng đường trong nước.
Ngoài ra, các nhà máy đường cần rà soát, xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng tương ứng với hình thành các trung tâm chế biến công nghiệp để tạo điều kiện xây dựng, phát triển các vùng sản xuất mía nguyên liệu ở địa phương.
Các địa phương cần rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch và quy mô hợp lý cho mỗi vùng sản xuất mía theo hướng tập trung, có điều kiện thâm canh, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, xây dựng hệ thống tưới nước cho cây mía, mạnh dạn đưa vào sử dụng giống mía đã qua khảo nghiệm có triển vọng; liên kết, xây dựng các cánh đồng mía lớn để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, hạ giá thành cây mía, tăng sức cạnh tranh.