Mạng lưới xe buýt tại Hà Nội ngày càng thuận lợi cho người dân
Kinh Doanh

Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành với 4.405 điểm dừng, nhà chờ xe buýt bao phủ 90% diện tích nội thành trong phạm vi 500m/điểm; ngoại thành là 1,1 điểm/km2.

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội, mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, đạt 67%; 65/75 bệnh viện, đạt 87%; 27/27 các khu công nghiệp lớn, đạt 100%; 33/37 khu đô thị, đạt 89,2%; 23/24 làng nghề, đạt 95,8%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa, đạt 92%.

Mạng lưới xe buýt tại Hà Nội ngày càng thuận lợi cho người dân- Ảnh 1.

Đáng chú ý, xe buýt Thủ đô hiện đã kết nối với 7 tỉnh lân cận, gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, gồm: 128 tuyến buýt trợ giá; 9 tuyến buýt không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. 128 tuyến buýt trợ giá do 11 đơn vị khai thác vận hành thực hiện, đặc biệt trong đó 127 tuyến lựa chọn theo hình thức đấu thầu và chỉ có 1 tuyến đặt hàng.

Toàn thành phố có 4.405 điểm dừng, nhà chờ xe buýt bao phủ 90% diện tích nội thành trong phạm vi 500m/điểm; ngoại thành là 1,1 điểm/km2.

Riêng tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), trong nửa đầu năm 2024, tổng hành khách vận chuyển của công ty ước đạt khoảng 118 triệu lượt, chiếm 60% sản lượng vận chuyển toàn thành phố.

Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của mạng lưới xe buýt Thủ đô, thành phố Hà Nội đang nghiên cứu lựa chọn các tuyến đường bảo đảm hạ tầng (ít nhất có từ 4 làn xe/hướng, mỗi hướng có mặt cắt ngang từ 15m trở lên) để bố trí các đoạn, làn ưu tiên cho xe buýt.

Cơ quan chức năng đề xuất, năm 2025, thí điểm 3 đoạn, tuyến đường với tổng cộng khoảng 6,5km làn ưu tiên. Giai đoạn từ năm 2026 đến 2030, đề xuất 12 làn ưu tiên với tổng chiều dài 56,5km…

Cùng với đó xây dựng các điểm trung chuyển xe buýt lớn, tiếp cận gần các ga đầu mối, ga vành đai của các tuyến đường sắt đô thị, các bến xe liên tỉnh…

Mới đây, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội đã hoàn thiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa xe buýt với đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Theo đó đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại từ ngày 9/8/2024. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thành phố có 36 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị này.

Trước đó, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã kết nối mạng lưới xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 ga, mỗi ga có nhiều tuyến buýt kết nối, giúp hành khách đi lại thuận tiện.

Việc điều chỉnh hệ thống các tuyến xe buýt phù hợp, kết nối thuận tiện với hệ thống đường sắt Thủ đô sẽ thúc đẩy người dân lựa chọn phương tiện vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Minh An