Ngày 2/10 vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội nghị được tổ chức nhằm ghi nhận các ý kiến trí thức khoa học và công nghệ trước thềm Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết: Hội nghị nhằm lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ đóng góp ý kiến, kiến nghị gửi đến Đảng, Nhà nước và Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội nguyện vọng, tâm tư của trí thức khoa học và công nghệ đồng thời đề xuất những vấn đề trọng yếu của đất nước.
Toàn cảnh hội nghị.
Đây là lần đầu tiên VUSTA tổ chức Hội nghị quy mô với nội dung toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Quốc hội, các ngành ủng hộ, các nhà khoa học nhiệt tình tham gia. Sau hội nghị này, VUSTA sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến thảo luận của các nhà khoa học để gửi đến Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, cho biết: "Hội nghị hết sức có ý nghĩa và thiết thực, từ tháng 3/2023 (trước kỳ họp thứ 5) và tháng 8/2023 (trước kỳ họp thứ 6) chúng tôi đã ban hành kế hoạch tổng hợp ý kiến của các cử tri, nhân dân cả nước thông qua báo cáo của Mặt trận tại 63 tỉnh, thành phố, ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội tại các địa phương cũng như tham vấn ý kiến từ các Bộ, ngành, Chính phủ…"
Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với 3 phần, trong đó phần 2 với 11 nội dung được tổng hợp từ ý kiến cử tri và nhân dân cả nước và Báo cáo này sẽ được trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cuộc họp dự kiến được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 10/2023.
Với nội dung của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét và thảo luận trên 40 nội dung quan trọng của đất nước trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trước khi bước vào phần tham luận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề nghị các nhà khoa học tập trung góp ý vào các vấn đề lớn như: giải pháp về cơ chế chính sách để phát triển kinh tế - xã hội đất nước một cách nhanh và bền vững, phát triển khoa học và công nghệ giáo dục và đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu mới rất cao của đất nước và dân tộc. Phân tích sâu sắc những vấn đề tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách đối với hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức từ những vấn đề, nội dung, quy định, văn bản chính sách cụ thể… để làm cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi. Và trình bày các đề xuất, kiến nghị tâm tư, nguyện vọng của trí thức khoa học và công nghệ với Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức hiện nay và trong tương lai để ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới như khát vọng lớn lao của một dân tộc Việt Nam trí tuệ, anh hùng.
TS Nguyễn Quân đóng góp ý kiến tại Hội nghị.
Chia sẻ ý kiến tại hội nghị, TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng: "Cần ban hành Luật về hội nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát để các nghị định, thông tư đã ban hành được thực hiện nghiêm túc nhất, đầy đủ nhất. Hiện nay, đội ngũ trí thức có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, Nhà nước cần có các chính sách đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ trí thức. Cụ thể là cần tin tưởng, lắng nghe, giao việc cho trí thức; tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho trí thức; có chế độ thu nhập thỏa đáng để trí thức yên tâm làm việc, cống hiến trí tuệ của mình xây dựng đất nước".
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận, đóng góp ý kiến liên quan đến các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, thu hút lực lượng trí thức, khoa học công nghệ, các vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính cho phát triển khoa học, công nghệ cũng như cho doanh nghiệp, đặc biệt là về chính sách thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập; dự thảo về Luật Đất đai sửa đổi…
Phương Loan - Thanh Tùng