Làm cha mẹ đơn thân: Những bài toán tài chính cần tính tới
Nhịp Sống Trẻ

Trở thành cha hoặc mẹ đơn thân là một quyết định mang tính bước ngoặt, không chỉ liên quan đến những biến động về mặt tình cảm mà còn là vấn đề về tài chính.

Sau 6 tháng đệ đơn, chị Hà Vy (38 tuổi) chính thức bước ra khỏi cuộc hôn nhân với chồng cũ. Cuộc hôn nhân kéo dài 8 năm kết thúc, chị Vy ra đi tay trắng, không nhà, không tiền, chỉ có hai con ở bên cạnh.

“Cuộc sống sau khi trở thành mẹ đơn thân có nhiều khác biệt, nhất là những vấn đề về tài chính. Nếu như ngày trước, những gánh nặng tài chính đều được san sẻ thì giờ đây, tôi lúc nào cũng phải suy nghĩ để làm sao có thể đảm bảo cho hai con một cuộc sống đầy đủ”, chị Vy cho hay.

Giống như chị Vy, vấn đề quản lý tài chính là vấn đề “nhức nhối” của nhiều cha mẹ đơn thân bởi khi đó, gia đình chỉ có một nguồn thu nhập trong khi các khoản chi vẫn như cũ, hoặc có giảm cũng không đáng kể.

Theo bà Đặng Thùy Trang, chuyên gia Tư vấn Tài chính Cá nhân Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, đối với những cha mẹ đơn thân, việc quản lý tài chính cá nhân có vai trò hết sức quan trọng để duy trì cân bằng cuộc sống.

Để tạo dựng một kế hoạch tài chính bền vững, theo bà Trang, điều đầu tiên những cha mẹ đơn thân cần làm là xác định người phụ thuộc cần chu cấp. Ngoài những đứa trẻ là đối tượng đầu tiên nghĩ đến, họ cũng cần chú ý đến những người phụ thuộc khác như cha mẹ hay có thể là người em chưa đến tuổi đi làm.

“Việc liệt kê tất cả người phụ thuộc giúp các bậc cha mẹ đơn thân xác lập dòng chi tiêu đầy đủ, không bị thiếu người này, hụt người kia, từ đó cân đối với khả năng tài chính của mình một cách hợp lý”, bà Trang cho hay.

Sau khi xác định được đối tượng phụ thuôc, các cha mẹ đơn thân cần quản lý chi tiêu một cách có hệ thống. Theo chuyên gia của FIDT, cha mẹ đơn thân cần liệt kê chi tiết các nguồn thu nhập, bao gồm cả trách nhiệm chu cấp của chồng/vợ cũ hoặc gia đình (nếu có) cũng như tất cả các khoản chi tiêu cho bản thân và người phụ thuộc.

“Nếu sau khi trừ chi tiêu vẫn còn dư dả thì bạn nên trích một khoản nhất định để tiết kiệm. Còn nếu thiếu, bạn cần rà soát lại chi tiêu, mạnh dạn cắt giảm hoặc loại bỏ những khoản không cần thiết. Trong trường hợp khó khăn, bạn có thể nhờ người thân, bạn bè giúp đỡ hoặc tìm hiểu các chính sách hỗ trợ tài chính dành cho cha mẹ đơn thân”, bà Trang đưa ra lời khuyên.

Đồng thời, cha mẹ đơn thân cũng nên cân nhắc đến việc tăng thu nhập, chẳng hạn như tìm công việc làm thêm sau giờ hành chính hay tìm kiếm các cơ hội đầu tư để cải thiện tình hình tài chính.

Một điều quan trọng khác mà cha mẹ đơn thân nên lưu ý là xây dựng các “tấm khiên” bảo vệ tài chính. Theo bà Trang, “ngay từ khi có thể hãy trích lập một khoản dự phòng khẩn cấp tương đương với khoảng từ 3 – 6 tháng chi tiêu của gia đình”.

Song song với đó, các cha mẹ đơn thân cũng nên tìm hiểu các kế hoạch bảo hiểm cho bản thân và những người phụ thuộc. “Nó giống như tấm lưới gánh bớt chi phí khi rủi ro xảy ra, đảm bảo duy trì kế hoạch tài chính của gia đình”, bà Trang cho hay.

Ngoài những lưu ý trên, chuyên gia của FDIT còn cho rằng trước khi bước ra khỏi một cuộc hôn nhân, mỗi người đều cần xác định phần tài sản chung và riêng để thỏa thuận việc chia tài sản sao cho hợp lý, từ đó có kế hoạch tích lũy, xây dựng khối tài sản của riêng mình.

Đồng thời, không riêng cha mẹ đơn thân, mà bất kỳ ai cũng nên lập kế hoạch tài chính tuổi hưu để có thể chủ động hơn, không bị phụ thuộc vào người khác, bà Trang cho hay.