Không để hàng Việt 'hụt hơi' trên thị trường TMĐT
Kinh Doanh

Trước làn sóng hàng giá rẻ của Trung Quốc "đổ bộ" thị trường thương mại điện tử Việt Nam, hàng Việt dễ bị "hụt hơi" trong cuộc đua cạnh tranh khốc liệt này.

Thông tin từ Công ty Nghiên cứu thị trường Momentum Works, nhiều sàn thương mại điện tử đình đám giá rẻ đến từ Trung Quốc sắp ra mắt tại Việt Nam như Temu, Taobao, 1688. Các sản phẩm đã được hiện thị bằng VND; chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển là Ninja Van và Best Express;... Nhưng điều này cũng cho thấy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tạo thế cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt gần như bị chi phối bởi các sàn thương mại nước ngoài.

Không để hàng Việt 'hụt hơi' trên thị trường TMĐT- Ảnh 1.

Như vậy, tính đến thị thời điểm hiện tại thương mại điện tử tại Việt Nam gần như bị chiếm lĩnh bởi các sàn ngoại, mà chủ yếu đến từ Trung Quốc. Chẳng hạn, sàn Shopee thuộc Tập đoàn SEA Limited - một tập đoàn công nghệ đa quốc gia dù có trụ sở tại Singapore nhưng cổ đông lớn nhất là Tencent đến từ Trung Quốc; TikTok Shop thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc); Lazada thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc). Trong đó, chỉ riêng: Shopee, TikTok Shop, Lazada đã chiếm lĩnh thị trường trong nước vượt trội, tổng giá trị hàng hóa chi phối lên tới hơn 90%.

Trong báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2024 của Momentum Works nhấn mạnh, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa theo năm là gần 53%. Tuy nhiên, việc nhiều sàn thương mại điện tử Trung Quốc cung cấp hàng hóa với giá siêu rẻ vào thị trường Việt Nam báo hiệu nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa. Như khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường QandMe, các yếu tố liên quan đến giá cả (giá, khuyến mãi) là những yếu tố quan trọng nhất được khách hàng quan tâm khi mua sắm trực tuyến ở Việt Nam. 

Chị Kim Thoa (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, chị không thể "cưỡng lại" các chương trình giảm giá tới 60% và tốc độ giao hàng chỉ từ 4-7 ngày của các sàn thương mại điện tử từ Trung Quốc. Các mặt hàng như quần áo, giày dép, đồ gia dụng có mức giá siêu rẻ với mẫu mã đa dạng, rất hợp với thị hiếu.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng để hàng Việt có sức cạnh tranh tốt đòi hỏi phải có chính sách về thuế sao cho phù hợp, cũng như có một chiến lược tổng thể và dài hạn. Hơn nữa, khi thị trường TMĐT thay đổi như vũ bão, việc tự xoay sở của các doanh nghiệp (DN) nội địa là chưa đủ mà phải có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng từ phía các sàn TMĐT và cơ quan chức năng.

Các chuyên gia cho biết, hiện nay, Việt Nam vẫn áp dụng quy định miễn thuế các hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng, mà hàng thương mại điện tử, hay đường nhập khẩu chủ yếu là giá trị nhỏ cho nên những mặt hàng này nghiễm nhiên được ưu đãi miễn thuế. 

Hàng hóa trên các sàn thương mại cung cấp hàng giá rẻ được miễn giảm thuế, phí nhập khẩu, bán giá rẻ hơn, mẫu mã đa dạng nên chiếm lĩnh thị trường Việt Nam một cách dễ dàng. Do đó, cơ quan chức năng cần phải sửa Luật theo hướng tất cả các loại hàng hóa ra - vào quốc gia thì đều phải nộp thuế để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, sòng phẳng để điều kiện cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước rõ ràng hơn, không để hàng Việt bị hụt hơi trong cuộc đua bán hàng online.

Cơ quan nhà nước cần vào cuộc xem xét nghiêm túc quy định, quản lý chặt chẽ đối với các hàng nhập khẩu hoặc hàng nhận từ các đơn hàng điện tử tính hợp pháp về thuế cũng như tránh hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế giá rẻ tràn vào. Bên cạnh đó cần phải nghiên cứu vì sao hàng Trung Quốc giá rẻ, họ có được trợ giá hay không? Từ đó tìm ra giải pháp thích hợp để thúc đẩy nền công nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển.

Ngoài ra, hàng Việt nếu muốn tồn tại và phát triển phải ứng dụng công nghệ, giảm chi phí vận hành; hoặc phải tổ chức các hoạt động khuyến mãi, hậu mãi, nâng cao mẫu mã, chất lượng hàng hóa, thu hút người tiêu dùng để tăng khả năng cạnh tranh.

Minh An (t/h)