Theo JLL, mặt bằng bán lẻ Hà Nội sẽ có thêm khoảng 20.000 m2 dự kiến sẽ gia nhập thị trường trong 6 tháng tới.
Theo Công ty Tư vấn BĐS Toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL), thị trường bán lẻ Hà Nội sẽ có sự khác biệt về nguồn cung giữa các khu vực. Khu trung tâm dự báo sẽ duy trì nguồn cung ổn định.
Mặt bằng bán lẻ trong một trung tâm thương mại tại Hà Nội. Ảnh: Internet
Ngược lại, thị trường khu ngoài trung tâm đang sẵn sàng cho sự tăng trưởng hơn nữa, với nguồn cung mới khoảng 20.000 m2 dự kiến sẽ gia nhập thị trường trong 6 tháng tới. Sự mở rộng này sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi việc hoàn thành dự kiến của dự án tại khu vực Tây Hồ.
Tại khu trung tâm, giá thuê thuần dự kiến sẽ duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ, phản ánh vị thế của khu vực và nhu cầu ổn định cho không gian bán lẻ cao cấp. Trong khi đó, thị trường khu ngoài trung tâm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đáng kể về giá thuê thuần, nhất là sau khi có nguồn cung mới chất lượng cao tại khu vực Tây Hồ từ năm 2024.
Sự mở rộng không gian bán lẻ hiện đại này có thể đẩy mức giá thuê cao hơn nhưng sự cạnh tranh gia tăng trong khu vực có thể gây trở ngại cho sự tăng trưởng giá thuê. Do đó, dự kiến sẽ có những hoạt động cho thuê và tiếp thị mạnh mẽ hơn để đáp ứng tình hình cạnh tranh.
Tương tự, các chuyên gia của Savills Hà Nội nhận định, Hà Nội đang thu hút nhiều đơn vị bán lẻ trong các lĩnh vực F&B, thời trang và mỹ phẩm mở rộng hoạt động. Nhu cầu thuê tập trung ở những trung tâm thương mại sầm uất, được phát triển bài bản hay khối đế bán lẻ, nơi sở hữu sẵn lượng lớn nguồn cầu, đảm bảo pháp lý, phòng cháy chữa cháy.
Về nguồn cung, thị trường Hà Nội thời gian tới sẽ chào đón thêm lượng lớn mặt bằng bán lẻ. Từ năm 2024 đến năm 2026, 4 trung tâm thương mại và khối đế bán lẻ sẽ cung cấp thêm 230.000 m2. Phía Tây sẽ có nguồn cung lớn nhất với 139.000 m2, tiếp theo là nội thành và khu vực khác. Các trung tâm mua sắm sẽ chiếm khoảng 70% nguồn cung và khối đế bán lẻ chiếm 30%.
Nhận định trên của các đơn vị dựa trên thực trạng của mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội thời gian qua. Theo đó, trong quý II/2024, nguồn cung bán lẻ của Hà Nội vẫn giữ ở mức khoảng 671.200 m2 do không có dự án bán lẻ mới nào được hoàn thành trong quý II/2024. Trong đó, nguồn cung trung tâm thương mại trọng điểm tại khu trung tâm và khu ngoài trung tâm lần lượt ở mức 55.000 m2 và 616.200 m2 sàn cho thuê.
Tỷ lệ trống của khu trung tâm giảm xuống mức 3,7%, giảm nhẹ 0,2 điểm phần trăm so với quý trước, nhờ nhu cầu ổn định giữa bối cảnh nguồn cung mới hạn chế tại khu vực này. Ở khu ngoài trung tâm, tỷ lệ trống vẫn ở mức 6,6% trong quý.
Thị trường trung tâm thương mại trọng điểm Hà Nội ghi nhận mức hấp thụ thuần khoảng 120 m2 trong quý II/2024. Mặc dù vẫn có sự rời đi của một số khách thuê, nhưng cả khu trung tâm và ngoài trung tâm đều ghi nhận mức hấp thụ thuần dương nhờ vào các hoạt động thuê mới.
Minh An