Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Cà Mau lần IV năm 2024 xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Luân: Tại Điều 6, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc quy định: "Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, huyện được tổ chức định kỳ 5 năm một lần". Đây là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của tỉnh Cà Mau, khẳng định sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đồng bào các DTTS.
Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Cà Mau lần IV năm 2024.
Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV năm 2024 là dịp để đánh giá kết quả thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu lần thứ III năm 2019; phân tích những ưu điểm, hạn chế, xác định nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giai đoạn 2024 - 2029.
Song song đó, Đại hội nhằm tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các cá nhân tiêu biểu là đồng bào DTTS, các tập thể có đóng góp trong công tác triển khai thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi, là động lực để đồng bào các DTTS hăng hái thi đua lao động sáng tạo, đoàn kết phát triển, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Phóng viên: Thưa ông, nhìn lại 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu lần thứ III năm 2019, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có bước phát triển như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Luân: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành sâu sát của chính quyền các cấp và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các DTTS, đến nay tỉnh Cà Mau đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu trong Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III năm 2019. Theo đó, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Cụ thể như sau:
- Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho sản xuất và dân sinh, 100% số xã trong vùng có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; 80% đường liên ấp được bê tông hóa, cứng hóa. So với năm 2019, hiện nay vùng DTTS của tỉnh đã giảm 04 xã khu vực III (tương ứng giảm 44,45%) và giảm 24 ấp đặc biệt khó khăn nằm ngoài xã khu vực III (tương ứng giảm 35,82%).
- Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên (mức thu nhập bình quân đầu người DTTS năm 2023 là 54,48 triệu đồng, tăng 1,51 lần so với năm 2019; trên 99% hộ có phương tiện nghe, nhìn; trên 95% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 99,9% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia); trên 80% lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định; tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua từng năm (bình quân giảm 2,57%/năm).
- Bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS được giữ gìn và phát huy. Công tác an sinh xã hội, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt. Chất lượng giáo dục và đào tạo vùng DTTS tiếp tục được nâng lên.
- Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Phóng viên: Theo ông, nguồn lực nào quan trọng thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS của tỉnh trong những năm qua là gì?
Ông Nguyễn Minh Luân: Những năm qua, nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi) và hệ thống các chính sách dân tộc là những nguồn lực quan trọng để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cùng Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn trao quà đến hộ gia đình khó khăn trên địa bàn TP Cà Mau.
Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội và các nguồn vận động hợp pháp khác cũng là nguồn lực giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng DTTS ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, còn có vai trò của đội ngũ những người làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở. Đây là lực lượng trực tiếp tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Sự phát triển của vùng đồng bào DTTS của tỉnh có đóng góp rất quan trọng của những "đầu tàu" trong đồng bào DTTS; nhiều người đã được biểu dương, tôn vinh tại Đại hội đại biểu lần thứ III năm 2019. Trong 5 năm qua, vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này đã được phát huy như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Luân: Tỉnh Cà Mau hiện có 67 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách theo đúng quy định và tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò nòng cốt trong đời sống xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân dự lễ trao nhà Đại đoàn kết tại xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời.
Lực lượng này luôn tích cực vận động đồng bào DTTS chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo; vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh; đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM; là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với đồng bào DTTS, từ đó góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn ANTT trong vùng đồng bào DTTS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phóng viên: Những thành tựu cũng như những vấn đề đặt ra ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã được đánh giá tại Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện và cấp tỉnh trong thời gian tới. Ông có thể cho biết công tác chuẩn bị tổ chức đại hội đã được tỉnh triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Luân: Sau khi có Công văn số 1302/UBDT-DTTS ngày 27/7/2023 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị chu đáo nội dung và các điều kiện tổ chức đại hội.
Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đại hội, trên cơ sở đó Trưởng Ban Chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, ban hành Kế hoạch tổ chức đại hội, thành lập Ban Tổ chức đại hội và các Tiểu ban giúp việc. Theo chức năng, nhiệm vụ, từng Tiểu ban giúp việc đã xác định đầy đủ nội dung công việc, dự báo tất cả các tình huống có thể xảy ra và xây dựng Kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện.
Tỉnh Cà Mau đã hoàn tất đại hội cấp huyện vào cuối tháng 6/2024 và đang trong giai đoạn hoàn tất công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội cấp tỉnh, dự kiến vào ngày 27 - 28/8/2024.
Phóng viên: Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 của tỉnh có những điểm nhấn gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Luân: Ban Chỉ đạo Đại hội xác định mỗi kỳ Đại hội phải có sự đổi mới. Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Cà Mau lần thứ IV năm 2024 có chủ đề: "Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững" với hình thức tổ chức cổ động trực quan.
Tại khu vực tổ chức Đại hội có bố trí không gian trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật về các loại hình văn hóa, nghệ thuật của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; hình ảnh hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh kết hợp trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh, phục vụ nhu cầu tham quan và mua sắm của đại biểu. Đồng thời, thiết kế, trang trí khu vực chụp ảnh lưu niệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đại biểu tham dự Đại hội.
Trước thời gian tổ chức Đại hội có tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, biểu diễn các loại hình nghệ thuật của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chương trình Đại hội có Video Clip phản ánh kết quả chung của nhiệm kỳ và có tối thiểu 2 bài tham luận của đại biểu chính thức trình bày bằng hình thức trực quan.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Ân - Văn Dương (thực hiện)