Trường Đại học Nguyễn Tất Thành vừa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Hội Công nghệ cao TPHCM cùng các đơn vị thuộc Khối thi đua 21, tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Cầu nối AI: Từ khám phá lý thuyết đến ứng dụng liên ngành”.

Sự kiện nhằm tạo diễn đàn học thuật để các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác liên ngành.
Tham gia hội thảo có các nhà khoa học đầu ngành như GS.TSKH.VS. Đặng Vũ Minh (VUSTA), GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành (ĐH Wroclaw, Ba Lan), GS.TS. Bùi Thanh Tân (ĐH Texas tại Austin, Hoa Kỳ). Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có TS. Nguyễn Văn Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Lan Phương, Ủy viên Hội đồng Trường, Phó hiệu trưởng, Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học và lãnh đạo các đơn vị trong trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu, gồm các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp trong nước.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Ái Cầm gửi lời cảm ơn tới Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, các đối tác đồng hành và các cơ quan, tổ chức đã quan tâm, hỗ trợ, góp phần tạo nên một Hội thảo có ý nghĩa thiết thực. TS. Trần Ái Cầm cũng nhấn mạnh rằng hội thảo không chỉ là nơi chia sẻ tri thức, mà còn góp phần hiện thực hóa những định hướng chiến lược bằng các kết quả nghiên cứu cụ thể, có giá trị học thuật và ứng dụng thực tiễn.
PGS.TS. Đinh Văn Phúc, Trưởng ban tổ chức cho biết, hội thảo nhận được 77 bài báo khoa học được báo cáo thông qua hai hình thức trực tiếp và poster. Nội dung hội thảo xoay quanh bốn nhóm lĩnh vực trọng tâm: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Y tế - Kinh tế - Xã hội và Giáo dục.
Mở đầu phiên toàn thể, GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành đã trình bày bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trên thế giới, thông qua các phân tích xu hướng, thống kê ứng dụng và vị trí ngày càng quan trọng của AI trong đời sống. Báo cáo không chỉ đề cập đến các lĩnh vực ứng dụng phổ biến như kỹ thuật, kinh doanh, y tế, mà còn đặt ra các câu hỏi chiến lược về vai trò của AI trong việc định hình tương lai công nghệ và xã hội.

Tiếp nối, GS.TS. Bùi Thanh Tân chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất cũng như tầm nhìn chiến lược về việc kết nối trí tuệ nhân tạo với các bài toán mô phỏng và tính toán phức tạp trong kỹ thuật.

Ở lĩnh vực giáo dục, ông Lê Đức Duyên giới thiệu mô hình “AI kiến tạo hệ thống tích hợp học tập suốt đời”, gồm 4 cấu phần cốt lõi: nền tảng học tập mở, hồ sơ học tập số, trợ lý học tập AI và hệ thống đánh giá thông minh. Mô hình này hướng đến việc nâng cao khả năng tự học, cá nhân hóa lộ trình học và hỗ trợ người học trong suốt hành trình phát triển nghề nghiệp.

Đại diện cho Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TS. Nguyễn Kim Quốc, Trưởng khoa Công nghệ thông trình bày báo cáo với tiêu đề “Tiềm năng ứng dụng AI trong đào tạo và nghiên cứu tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành”.
Theo TS. Quốc, AI đã bước đầu được ứng dụng vào nhiều hoạt động của Nhà trường, bao gồm: truyền thông, tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thiết lập đề cương học phần, tạo lập bài giảng, cá nhân hóa lộ trình học tập, hỗ trợ chấm điểm tự động và xây dựng trợ giảng ảo. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, AI đóng vai trò hỗ trợ phân tích dữ liệu lớn, tổng quan tài liệu, đề xuất mô hình nghiên cứu và thúc đẩy nghiên cứu liên ngành.

Ông cũng cho biết, với mục tiêu trở thành trường đại học ứng dụng theo chuẩn quốc tế, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang xúc tiến thành lập Trung tâm AI và Dữ liệu thông minh, đồng thời đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng viên – sinh viên và tăng cường hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực AI. Đây không chỉ là bước đi chiến lược trong quá trình chuyển đổi số toàn diện, mà còn là lời khẳng định về tầm nhìn dài hạn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu.
Mỗi tham luận được chia sẻ không chỉ dừng lại ở giá trị học thuật, mà còn là minh chứng cho khát vọng khám phá, đổi mới và cống hiến vì một tương lai phát triển bền vững. Được biết, những bài tham luận từ hội thảo này, sau khi trải qua quá trình phản biện, sẽ được lựa chọn đăng tải trên một số Tạp chí uy tín như: Tạp chí quốc tế Vietnam Journal of Computer Science (VJCS) (Scopus, Q2), Tạp chí quốc tế Materials and Emerging Technologies for Sustainability (METS) và Tạp chí Khoa học – Công nghệ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Sau phần trình bày của bốn báo cáo viên tại phiên toàn thể, hội thảo tiếp tục với các phiên báo cáo tại bốn tiểu ban chuyên đề gồm: Trí tuệ nhân tạo và An ninh mạng; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Kỹ thuật; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực Y tế - Kinh tế - Xã hội; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Giáo dục. Các chuyên đề thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục, y tế an ninh mạng.
Hội thảo khoa học quốc gia về trí tuệ nhân tạo năm nay đã để lại nhiều dấu ấn với chuỗi báo cáo chuyên sâu, đa dạng chủ đề và mang tính ứng dụng cao. Từ các bài tham luận và ý kiến đóng góp của các chuyên gia, chúng ta đã cùng nhau nhìn nhận rõ hơn về những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực AI, qua đó khẳng định vai trò then chốt của trí tuệ nhân tạo trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là trong các lĩnh vực mũi nhọn như giáo dục, y tế, công nghiệp, an ninh mạng và quản trị xã hội.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, hội thảo đã thành công trong việc thúc đẩy trao đổi học thuật, cập nhật các xu hướng công nghệ mới, đồng thời định hình những hướng đi chiến lược trong nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội quan trọng để các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tăng cường hợp tác, hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo dựa trên trí tuệ nhân tạo.
Với những kết quả đạt được, hội thảo năm nay không chỉ góp phần lan tỏa giá trị khoa học mà còn mở ra nhiều triển vọng trong ứng dụng AI vào thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên số.