Thương mại điện tử đang dần trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán điện tử. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử giúp lĩnh vực này phát triển bền vững hơn.
Trong dòng chảy mạnh mẽ và mãnh liệt của thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số đang được xem là một trong những động lực quan trọng hàng đầu để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. Đón đầu xu thế này, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế số ở từng ngành, lĩnh vực trọng tâm, trong đó, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiêu biểu, điển hình của kinh tế số.
Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.
Còn theo báo cáo của Metric, trong 6 tháng đầu năm 2024, thương mại điện tử Việt Nam đang tiếp tục phát triển ổn định với mức tăng trưởng trên 54% cả về doanh số và sản lượng. 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop ghi nhận doanh số 143.900 tỷ đồng với 1,533 triệu sản phẩm giao thành công tới tay khách hàng, tăng lần lượt 54,91% và 65,55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với đà phát triển hiện nay, mục tiêu doanh thu thương mại điện tử đóng góp 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là có thể đạt được.
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức" tổ chức sáng 14/8, TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cho biết, riêng TP.HCM có khoảng hơn 90 nghìn người kinh doanh online. Cả nước có lẽ có hàng trăm nghìn người kinh doanh online, làm thương mại điện tử. Chưa có con số cụ thể nhưng qua đó có thể thấy đây là lĩnh vực tạo ra rất nhiều việc làm, nếu gián tiếp thì có lẽ hàng triệu.
Thương mại điện tử có nhiều tác động tích cực tới kinh tế - xã hội, song PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, hiện đang nổi lên những vấn đề liên quan đến tranh chấp và bảo vệ người tiêu dùng, hàng hóa tiêu dùng ở lĩnh vực này.
Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử; hoàn thiện thể chế (giao dịch điện tử, cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu đối với tài sản, bảo vệ người tiêu dùng); thúc đẩy sáng tạo, bắt kịp những mô hình kinh doanh mới; hạ tầng (bao gồm logistic, hạ tầng số)...
Sự đồng hành của nền tảng số mới, chủ chốt trong thị trường thương mại điện tử cần có sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan nhà nước để đạt được mục tiêu là xây dựng thị trường số bền vững, lành mạnh và phát triển.
An Mai (t/h)