Với tiềm năng về rừng lớn, Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc tham gia vào thị trường carbon, song cần gỡ vướng vấn đề về cơ chế.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có gần 15 triệu ha rừng, đứng thứ 35 trong tổng số các quốc gia có diện tích rừng lớn nhất thế giới, đặc biệt trong đó có hơn 200 ngàn ha rừng ngập mặn. Nếu rừng trên đất liền được coi là “mỏ bạc” thì rừng ngập mặn chính là “mỏ kim cương”. Với diện tích trên, rừng Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển tín chỉ carbon.
Nếu được quản lý và phát triển tốt, thị trường này có thể mang lại cho Việt Nam hàng trăm triệu USD mỗi năm, giúp bảo vệ rừng, tạo nguồn tài chính bền vững, và hỗ trợ các cộng đồng địa phương sống gần rừng. Hơn nữa, việc tham gia vào thị trường carbon còn giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 mà chúng ta đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Việt Nam hiện đang triển khai duy nhất một Chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải/tín chỉ carbon rừng thông qua Thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới. Kết quả là đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tấn CO2 và tiếp nhận 51,5 triệu USD trong giai đoạn 2018-2019. Hiện Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đàm phán, ký kết Thỏa thuận mua bán giảm phát thải cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ với Tổ chức Tăng cường Tài chính Lâm nghiệp (Emergent).
Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng này, cần phải giải quyết các thách thức về khung pháp lý, tài chính, kỹ thuật, và sự tham gia của cộng đồng.
Tại hội thảo “Carbon rừng - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng”, ông Phạm Thu Thủy - Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), mặc dù Việt Nam đã có các bước khởi đầu như tham gia vào cơ chế REDD+, nhưng khung pháp lý cụ thể cho thị trường carbon rừng vẫn chưa hoàn thiện, cơ chế xác định quyền sở hữu tín chỉ carbon rừng, chia sẻ lợi ích từ các dự án rừng và quản lý nguồn lợi từ tín chỉ vẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án.
Thực tế cho thấy, hệ thống theo dõi, báo cáo và xác minh (MRV) của Việt Nam vẫn đang phát triển và chưa đáp ứng đủ yêu cầu về tính chính xác và minh bạch để đạt được sự công nhận trên thị trường quốc tế. Không những vậy, nhận thức đầy đủ về giá trị của tín chỉ carbon rừng và khả năng quản lý và thực hiện các dự án bảo tồn rừng và tín chỉ carbon rừng của nhiều cơ quan và tổ chức tại Việt Nam còn hạn chế.
Còn theo Tiến sĩ Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, để tận dụng tiềm năng thị trường carbon, nước ta cần phải giải quyết các thách thức về khung pháp lý, tài chính, kỹ thuật. Đặc biệt, việc cải thiện hệ thống quản lý, tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh nhận thức xã hội là những bước quan trọng để Việt Nam có thể phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng hiệu quả.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Hồng Lượng - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, để thúc đẩy phát triển thị trường và triển khai thương mại tín chỉ carbon rừng trong thời gian tới, trước tiên phía Bộ NN&PTNT tập trung nghiên cứu tiềm năng và phân bổ hạn ngạch giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cho các địa phương; hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng.
Song song với đó, xây dựng tiêu chuẩn các bon rừng Việt Nam, phương pháp luận tính toán kết quả giảm phát thải và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ carbon của rừng; hướng dẫn xây dựng và triển khai thí điểm một số dự án tiềm năng…Mặt khác, các địa phương cũng cần chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực hợp pháp thực hiện các biện pháp giảm phát thải/tăng hấp thụ trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, nước ta cần có những cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư phát triển thị trường tín chỉ này. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần đảm bảo minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường xã hội..
An Mai (t/h)