Chiều 4/10, tại kỳ họp thứ mười tám, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội.
Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội (Trung tâm) là cơ quan hành chính thuộc UBND TP Hà Nội (cơ quan ngang sở), có chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; là đầu mối giúp UBND TP tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, theo dõi, kiểm soát, đôn đốc, phối hợp giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND TP, Chủ tịch UBND TP.
Trung tâm có tên tiếng Việt: Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội. Tên giao dịch quốc tế: Hanoi Public Administration Service Center. Tên viết tắt: HPASC. Trụ sở tại số 197 phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng; là đơn vị dự toán cấp 1, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.
Trung tâm chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND TP, chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của chủ tịch UBND TP. Chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Chính phủ.
HĐND TP giao UBND TP ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy cụ thể của Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội.
Về biên chế trong giai đoạn 1, trung tâm được sử dụng biên chế công chức, viên chức và hợp đồng lao động làm việc chuyên môn theo đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội đã được phê duyệt theo quy định.
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Ngoài ra, cần bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng trụ sở mới và trụ sở tạm của trung tâm, mua sắm trang thiết bị làm việc, bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước năm 2024.
Nghiên cứu xây dựng ngay cơ chế, chính sách đặc thù về tuyển dụng nhân sự chất lượng cao; hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc; cơ chế thuê chuyên gia và ký hợp đồng dài hạn với nhân viên làm việc tại Trung tâm theo quy định của Luật Thủ đô 2024.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã trình bày Tờ trình về việc thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội.
Trung tâm vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống nền tảng dùng chung.
Trung tâm được xây dựng nhằm tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, giảm đầu mối bộ phận một cửa.
Việc thành lập trung tâm cũng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính với mục tiêu đạt tối thiểu 95-100% hồ sơ thủ tục hành chính được công khai, minh bạch.
Trung tâm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và động lực để xây dựng thiết kế mô hình; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của trung tâm.
Việc thành lập Trung tâm cũng được kỳ vọng thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Thương Huyền