TP. Hà Nội đang triển khai nhiều chương trình, chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đạt được kết quả tích cực.
Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội diễn ra khá sôi nổi và mạnh mẽ. Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên tổng số hơn 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước. Đồng thời, với 32 vườn ươm doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực; 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh đã cho thấy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có sức hấp dẫn lớn và lan tỏa mạnh mẽ.
Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội đã huy động được khoảng 1 tỷ USD với 100 thương vụ gọi vốn thành công. Những con số này liên tục tăng trong những năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2023, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng bằng và đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu kết quả xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Chìa khóa mở ra những thành công trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội là sự chú trọng trong công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ", "cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh", cải cách hành chính, "đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Theo đó, những năm qua, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt nhiều đề án liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, năm 2019, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025" (Đề án 4889).
Sau hơn 4 năm triển khai, Đề án 4889 đã đạt được kết quả cụ thể như tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo cho 180 doanh nghiệp, cá nhân, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố; các khóa đào tạo cho huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo từ các cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Cùng với đó, việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những khâu đột phá được TP Hà Nội xác định theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII.
Sau 3 năm triển khai khâu đột phá này, TP Hà Nội nhận định, hoạt động phát triển thị trường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh, Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố; đến năm 2030, Hà Nội là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và đến năm 2045, Hà Nội trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực châu Á.
Để sớm đưa Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và khu vực, cần có những giải pháp thu hút cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tri thức, khoa học công nghệ, tiềm năng và lợi thế của Thủ đô, TP Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Trong Luật Thủ đô đã có những quy định về hỗ trợ các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô. Một điểm quan trọng nữa trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ công lập được phép thành lập doanh nghiệp, cán bộ, giảng viên có thể làm chủ các doanh nghiệp ấy.
Minh An (t/h)