Hà Nội: Lực đẩy từ chính sách trong phát triển công nghiệp hỗ trợ
Chính Sách

TP Hà Nội xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế bền vững, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó 35% doanh nghiệp (tỷ lệ cao nhất cả nước) có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và thế giới. Trong đó nhóm phát triển nhất là khu vực sản xuất cơ khí, chiếm gần 80% doanh nghiệp.

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử của tập đoàn VinGroup tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: KTĐT

Mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội. Trong đó có 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Công nghiệp hỗ trợ phát triển góp phần thúc đẩy tăng trưởng các chỉ số phát triển công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, và góp phần đạt được mực tiêu tăng trưởng GRDP đặt ra.

TP Hà Nội xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế bền vững, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Đây là động lực để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Nhiều cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hà Nội đã được Sở Công Thương chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực. Nhờ đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo.

Để đạt mục tiêu đề ra, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp tham gia chuỗi liên kết phát triển hành lang công nghiệp Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Ninh - Hải Dương - Quảng Ninh, Hà Nội - Vĩnh Yên - Việt Trì, Hà Nội - Lạng Sơn và vành đai kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình và trục quốc lộ 10.

Đồng thời hình thành các khu công nghiệp - đô thị gắn với phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại - dịch vụ, tăng cường các cụm liên kết ngành và khu công nghiệp chuyên biệt; triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, xuất, nhập khẩu theo các chương trình, kế hoạch của thành phố, các chương trình xúc tiến thương mại, xuất, nhập khẩu, kết nối hợp tác phát triển cụm liên kết ngành với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố và cả nước.

Minh An