Hà nội: Đầu tư hạ tầng tăng sức hút cho xe đạp công cộng
Kinh Doanh

Xe đạp công cộng là mô hình đang được thành phố Hà Nội thí điểm để nhân rộng, hướng tới hoàn thiện hệ thống giao thông xanh. Nhưng mô hình này chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Theo tin từ Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam (đơn vị vận hành dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội), từ khi chính thức thí điểm (tháng 8/2023) đến nay, đã có hơn 340.000 lượt sử dụng xe đạp đô thị, tương đương trung bình gần 1.150 chuyến/ngày.

Hà nội: Đầu tư hạ tầng tăng sức hút cho xe đạp công cộng- Ảnh 1.

Sau hơn một năm thí điểm, đơn vị đã triển khai hơn 700 xe đạp tại 88 điểm ở 6 quận được phép cho hoạt động, gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.

Về tốc độ tăng trưởng số lượng khách, hiện trung bình mỗi ngày có gần 700 khách đăng ký mới. 100% thời gian hoạt động trong ngày đều có khách hàng sử dụng. Trên toàn bộ khu vực thí điểm chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông nào liên quan đến hoạt động của xe đạp đô thị.

Trong số khách hàng đang sử dụng xe đạp công cộng, lượng khách hàng thường xuyên, sử dụng vé tháng chiếm khoảng 33,02%. Khách thuê xe đạp chủ yếu trong khoảng thời gian từ 6 - 9h và 18 - 21h. Lượng khách thuê xe vào cuối tuần cao hơn 1,6 lần so với ngày thường. 80% người thuê xe có độ tuổi từ 18 – 40.

Đặc biệt, trong tổng số 88 trạm xe đạp, có 42 trạm gần với các điểm dừng, nhà chờ xe buýt và nhà ga đường sắt đô thị (chiếm tỷ lệ 46,5%). Hơn 100.000 chuyến đi đã được thực hiện tại các trạm này phản ánh tiềm năng lớn trong việc kết nối xe đạp đô thị với các phương tiện giao thông công cộng khác. Lưu lượng sử dụng trung bình 100 chuyến xe đạp/ngày tại trạm nhà ga đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một điển hình về tính hiệu quả của việc kết nối này.

Chưa kể, mạng lưới giao thông tại Hà Nội hiện tại có đặc thù là ngõ nhỏ, phố nhỏ, ngõ sâu nên từ nơi ở đến các nhà ga, bến tàu, trạm xe buýt lên tới hàng km. Do đó, phương án xe đạp công cộng là bước đi đúng và hợp lý. Nhìn xa hơn, việc phát triển các loại hình giao thông xanh như xe đạp đô thị thay thế dần xe cơ giới không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường, Hà Nội đang chủ trương đẩy mạnh phát triển giao thông xanh, ưu tiên phát triển phương tiện công cộng, trong đó có xe đạp đô thị.

Theo nhiều chuyên gia, dịch vụ xe đạp đô thị bước đầu đã có kết quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố xanh, sạch, thông minh và giảm ùn tắc giao thông. Việc triển khai xe đạp đô thị phù hợp xu hướng phát triển giao thông công cộng xanh, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu di chuyển ngắn, linh hoạt của người dân. Dịch vụ cũng góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì phương tiện cá nhân.

Tuy nhiên, dù được tạo nhiều điều kiện, nhất là thành phố cho phép miễn phí sử dụng vỉa hè, bố trí ở những vị trí thuận lợi, nhưng đến nay, dịch vụ cho thuê xe đạp vẫn chưa thể có lãi. Chi phí đầu tư giai đoạn đầu là hơn 6,4 tỷ đồng, nhưng doanh thu chỉ đạt hơn 3,7 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là do nhiều người chưa có thói quen sử dụng xe đạp kết nối các phương tiện vận tải công cộng và hạ tầng đường bộ chưa ưu tiên cho loại hình giao thông này. Hiện nay, thành phố Hà Nội chưa có nhiều đường dành riêng cho xe đạp. Điều này khiến người đi xe đạp phải đối mặt với nhiều rủi ro khi tham gia giao thông hỗn hợp cùng với xe máy, ô tô... 

Nhiều ý kiến cho rằng, nắng nóng, mưa lớn, gió mùa, những diễn biến thất thường của thời tiết đã khiến việc đạp xe trở nên khó khăn và ít hấp dẫn hơn so với các phương tiện khác. Số lượng trạm xe và mật độ xe còn thấp. Hơn nữa, hạ tầng đường bộ chưa đồng bộ với hệ thống xe đạp. Trong khi đó, đa số người dân Hà Nội vẫn đang quen thuộc với việc sử dụng xe máy, ô tô cá nhân. Việc chuyển sang sử dụng xe đạp công cộng đòi hỏi một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức.

Do đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, thành phố cần tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng dành cho xe đạp. Có như vậy, người dân mới sử dụng loại hình này nhiều hơn, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông cho Thủ đô.

Bên cạnh đó, phải coi đây là loại hình vận tải hành khách công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị và Nhà nước phải tham gia để quản lý, xây dựng khung giá sao cho hấp dẫn người dân sử dụng…

Minh An (t/h)