Hôm nay 21/11, cả vàng nhẫn và vàng miếng trong nước đều giữ nhịp tăng, trong đó, vàng miếng được các nhà vàng điều chỉnh tăng tới gần 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đang được niêm yết ở mức 82,7 - 85,7 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng niêm yết giá vàng SJC ở mức 84,5 - 85,7 triệu đồng/lượng chiều mua vào - bán ra, tăng 700.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp này niêm yết ở mức 83,2 - 85,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 82,9 - 85,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Đối với vàng nhẫn, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn neo ở mức 82,7 - 84,9 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 700.000 đồng ở cả chiều mua lẫn chiều bán.
Thương hiệu Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở mức 84,33 - 85,28 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 550.000 đồng chiều mua và 600.000 đồng chiều bán.
Giá vàng duy trì đà tăng 3 ngày liên tiếp trong tuần, bất chấp sự phục hồi của đồng USD. Tính từ đầu tuần, kim loại quý này đã tăng hơn 3,40%, hiện đang giao dịch quanh mốc 2.650 USD/ounce, tăng 0,69%, và đang hướng đến mục tiêu 2.700 USD.
Đà tăng của giá vàng xuất hiện ngay sau khi Nga tuyên bố có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm đáp trả phương Tây. Thêm vào đó, Nhà Trắng đã phê chuẩn việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa bên trong lãnh thổ Nga. Những căng thẳng này thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Đồng thời, chỉ số USD (DXY) đã tăng 0,51%, lên mức 106,69, sau khi chạm mức thấp nhất trong năm ngày là 106,11. Dù đồng bạc xanh mạnh lên, giá vàng vẫn giữ được xu hướng tăng, cho thấy tâm lý thị trường đang thiên về sự thận trọng trước những rủi ro toàn cầu.
Những phát biểu gần đây từ các quan chức Fed, bao gồm Lisa Cook và Michelle Bowman, tiếp tục để ngỏ khả năng giảm lãi suất trong tháng 12. Tuy nhiên, cả hai đều tỏ ra thận trọng về tốc độ hạ lãi suất trong bối cảnh lạm phát vẫn chưa đạt được mục tiêu 2%.
Dữ liệu từ CME FedWatch Tool cho thấy, xác suất Fed cắt giảm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 12 đã giảm từ 58% xuống còn 55%. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ lên mức 4,41%, góp phần tạo áp lực lên thị trường vàng.
Về mặt kỹ thuật, giá vàng hiện đang thách thức ngưỡng kháng cự tại đường trung bình động đơn giản (SMA) 50 ngày ở mức 2.658 USD. Nếu vượt qua mốc này, kim loại quý có thể hướng tới 2.700 USD, với mức kháng cự tiếp theo tại 2.710 USD và xa hơn là 2.750 USD. Ngược lại, nếu giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng 2.600 USD, đà giảm có thể kéo dài về đường SMA 100 ngày ở mức 2.550 USD và xa hơn là mốc hỗ trợ tâm lý 2.500 USD. Chỉ số Sức mạnh Tương đối (RSI) đang dao động gần mức trung lập, cho thấy động lực tăng vẫn còn nhưng cần sự hỗ trợ mạnh từ các yếu tố cơ bản và kỹ thuật.
Thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ các dữ liệu kinh tế Mỹ trong tuần, bao gồm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp, chỉ số PMI Flash từ S&P Global và báo cáo Tâm lý Người tiêu dùng của Đại học Michigan. Những yếu tố này sẽ tác động mạnh đến kỳ vọng chính sách của Fed và diễn biến giá vàng trong thời gian tới.
Minh An (t/h)