Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cung cấp khoản vay mới lên tới 40 tỷ euro (44,5 tỷ USD) cho Ukraine vào cuối năm nay dù Mỹ có tham gia hay không sau khi kế hoạch sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Kyiv đã bị đình trệ.
Động thái đơn phương này diễn ra trong bối cảnh EU lo ngại rằng Hungary sẽ ngăn khối này cung cấp các biện pháp bảo vệ mà Mỹ cần để tham gia vào chương trình sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine, theo ba người tham gia vào các cuộc đàm phán.
Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, nhà lãnh đạo thân Nga nhất của EU, đã tìm cách trì hoãn quyết định về chương trình sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11.
EU đang chuẩn bị cung cấp khoản vay mới lên tới 40 tỷ euro (44,5 tỷ USD) cho Ukraine vào cuối năm nay (Ảnh: Josefine Stensen/Flickr)
Nhưng Brussels phải đưa ra các giải pháp trong vài tuần tới do phụ thuộc vào các quyền hạn hết hạn vào cuối năm.
Các khoản tiền này nhằm mục đích hỗ trợ sự ổn định tài chính của Ukraine, nước có tổng thâm hụt ngân sách năm 2025 dự kiến lên tới 35 tỷ USD, theo Kyiv và IMF. Quốc gia này phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài để duy trì hoạt động khi Nga tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng.
Theo một dự thảo đề xuất pháp lý mà FT xem được, EU sẽ huy động một số tiền lên tới hàng tỷ USD cho Ukraine vay vào cuối năm 2024.
Một động thái như vậy sẽ chỉ cần sự ủng hộ của đa số chứ không phải sự nhất trí của tất cả các thành viên của khối. Điều này có thể xem là tước bỏ quyền phủ quyết của Hungary.
Con số cuối cùng có thể dao động trong khoảng từ 20 tỷ đến 40 tỷ euro và sẽ được Ủy ban châu Âu quyết định sau khi tham khảo ý kiến của các quốc gia thành viên, các quan chức cho biết.
"Chúng tôi luôn có thể tự mình thực hiện", một quan chức EU cho biết.
Mặc dù kế hoạch ban đầu, có sự tham gia của Mỹ, vẫn là kế hoạch A của ủy ban, các quan chức lập luận rằng họ cần một giải pháp thay thế nếu Budapest vẫn giữ quyền phủ quyết cho đến cuộc bầu cử của Mỹ.
Lãnh đạo các nước G7 hồi tháng 6 đã đạt được thỏa thuận về việc cấp cho Ukraine 50 tỷ USD lợi nhuận thu được từ khoảng 260 tỷ euro dự trữ ngoại hối bị đóng băng của Nga, phần lớn trong số đó được lưu giữ tại Euroclear, kho lưu ký chứng khoán trung ương của Bỉ.
Theo kế hoạch đó, EU và Mỹ sẽ gánh vác khoảng 20 tỷ USD mỗi bên, trong khi 10 tỷ USD còn lại được chia đều cho Anh, Nhật Bản và Canada.
Tuy nhiên, Mỹ đã cản trở quá trình hoàn thiện kế hoạch do lo ngại về việc trả nợ, điều này phụ thuộc vào thời gian đóng băng tài sản là bao lâu.
Theo đó, Washington đã yêu cầu đảm bảo lâu dài hơn rằng các tài sản sẽ vẫn bị đóng băng bất chấp những bất đồng tiềm ẩn trong khối để phương Tây có thể khai thác các tài sản bị phong toả trong thời gian cần thiết.
Đổi lại, ủy ban đã đề xuất rằng các lệnh trừng phạt của khối này nhằm vô hiệu hóa tài sản của Nga sẽ được kéo dài từ giai đoạn sáu tháng liên tục hiện tại lên 36 tháng, để mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý hơn. Các phương án khác được đề xuất bao gồm gia hạn lệnh trừng phạt thêm 5 năm.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Orbán, người đã phủ quyết sự hỗ trợ của EU cho Ukraine trong quá khứ, hiện đang chặn việc gia hạn, theo tiết lộ từ những nguồn thạo tin.
Một đại diện của chính phủ Hungary đã nói với các đại sứ EU tại Brussels vào đầu tuần rằng vấn đề này sẽ phải được giải quyết sau cuộc bầu cử của Mỹ.
Như một giải pháp thay thế, EU hiện đang xem xét việc cấp các khoản vay như một phần của gói hỗ trợ tài chính hiện có sẽ hết hạn vào cuối năm. Kế hoạch này sẽ bao gồm việc tăng tổng số tiền cho vay của khối và sẽ được hỗ trợ bởi ngân sách chung của EU.
Kế hoạch của EU sẽ cung cấp một phần trong số 20 tỷ USD dự kiến sẽ đến từ Washington theo đề xuất ban đầu của G7 nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không thể cấp khoản vay khi cuộc bầu cử đang đến gần. Các quan chức Brussels hy vọng rằng cuối cùng Washington vẫn sẽ cung cấp tiền, do đó sẽ giảm bớt rủi ro của EU.
Nếu quyết định cấp các khoản vay một cách đơn phương, Brussels phải bắt đầu làm việc trong vài tuần tới để vượt qua mọi rào cản pháp lý cần thiết kịp thời, vì gói hỗ trợ cho Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm.
Bản đề xuất nêu rõ: "Việc thông qua các đề xuất là rất cấp bách trước cuối tháng 10, để khoản vay của EU có thể được giải ngân trước cuối năm 2024 để giải ngân theo từng đợt trong tương lai".
Đề xuất cuối cùng vẫn sẽ sử dụng số tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng, ước tính từ 2,5 đến 3 tỷ euro một năm, để trả nợ cho khoản vay. Hiện tại, những khoản lợi nhuận đó được chuyển đến Ukraine thông qua ngân sách EU.
Financial Times