Đổi mới sáng tạo - Cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá
Kinh Doanh

Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến một làn sóng phát triển mới trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, với sự hợp tác của các đối tác quốc tế và sự thúc đẩy từ Chính phủ.

Theo thống kê, Việt Nam đã có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.

Việt Nam đã có được hiệu quả cao trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Ảnh: Lao động

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên Hợp Quốc tăng 15 bậc, từ vị trí 86/193 quốc gia lên vị trí 71/193.

Để đạt được những kết quả trên, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo như: Xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và lập nghiệp; xây dựng các chiến lược, chương trình phát triển, tập trung vào kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mang lại giá trị gia tăng cao như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn...

Thông cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp, thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột 2 về nguồn nhân lực và nghiên cứu.

Tại buổi khai mạc Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 - Innovate Viet Nam 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược, là định hướng phát triển chung của thế giới hiện nay. Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, cũng như đóng góp của Việt Nam đối với quá trình phát triển.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh về công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực tiên tiến như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), và điện toán đám mây. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa làm chủ hoàn toàn các công nghệ tiên tiến này.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 5 năm qua, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Việc này đã giúp Việt Nam trở thành đối tác tin cậy của các tập đoàn công nghệ và trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới như Google, Nvidia, Meta, Samsung và SK.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến một làn sóng phát triển mới trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, với sự hợp tác của các đối tác quốc tế và sự thúc đẩy từ Chính phủ.

Chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển. Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng giáo dục, đào tạo…

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường phối hợp, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; tập trung thực hiện Chương trình đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn… Tăng cường thu hút các nguồn đầu tư tài chính, nhất là cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực, như AI, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước…

Ngoài ra, Thủ Tướng yêu cầu tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, chuẩn mực, kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp. Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế, trong đó lưu ý vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại, vừa đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phát triển và tiến đến làm chủ công nghệ, phát huy vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của toàn cầu....

An Mai (t/h)