Các doanh nghiệp sản xuất vạt liệu xây dựng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn quốc, nhiều sản phẩm đã tham gia vào thị trường xuất khẩu.
Theo Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các vật liệu xây dựng chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi-măng, 830 triệu m2 gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn).
Chất lượng vật liệu xây dựng Việt Nam đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đứng Top các nước ASEAN.
Tại hội thảo "Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bềng vững", TS Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, ngành công nghiệp VLXD đã đạt được những bước tiến đáng kể về năng lực sản xuất trong những năm gần đây.
Giai đoạn trước năm 2010 nhiều sản phẩm chủ yếu của nước ta như clinker, gạch ốp lát các loại, sứ vệ sinh, kính xây dựng vẫn phải nhập khẩu để phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước, tuy nhiên, đến nay, các DN sản xuất VLXD về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn quốc, nhiều sản phẩm đã tham gia vào thị trường xuất khẩu như clinker, kính tiết kiệm năng lượng, gạch gốm ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, vôi công nghiệp... Ngoài ra, trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đứng top đầu trong các nước ASEAN.
Từ đó, tổng giá trị doanh thu hàng năm của ngành vật liệu xây dựng, xi-măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11% GDP quốc gia (trong đó, các VLXD không bao gồm thép xây dựng ước đạt 600.000 tỷ đồng, tương đương hơn 24 tỷ USD chiếm gần 6% GDP quốc gia), có đóng góp đáng kể vào nguồn thu Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động, đồng thời tham gia đồng xử lý rác thải trong các lò nung sản xuất VLXD, góp phần bảo vệ môi trường.
Những thành tựu này không chỉ giúp tăng cường sản lượng và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành trên thị trường quốc tế.
Cũng theo lãnh đạo Viện VLXD, qua số liệu thống kê về năng lực sản xuất, tiêu thụ ngành VLXD cho thấy, nhiều lĩnh vực của nước ta đã có sự phát triển vượt bậc về sản xuất và tiêu thụ. Năng lực sản xuất một số loại sản phẩm VLXD quan trọng như xi măng, gốm sứ, kính xây dựng tăng từ vài chục lần đến hàng trăm lần sau 40 năm phát triển.
Cùng với đó, giá trị sản xuất VLXD không ngừng tăng, tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp sản xuất VLXD vào GDP ngày càng đáng kể hơn.
PGS.TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho rằng, định hướng phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD là hướng đến xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc gia, chủ động hội nhập quốc tế, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chỉ số phát thải thấp, hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Minh An (t/h)