Doanh thu công nghiệp công nghệ số Việt Nam 9 tháng năm 2024 đạt 118 tỉ USD, tăng 17,78% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó, doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghiệp số là 6,64 tỉ USD, tăng 9,86% so với cùng kỳ.
Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã quy tụ hơn 51.000 doanh nghiệp, tạo ra việc làm cho trên 1,5 triệu người, trong đó khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghiệp số là một trong những thế mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong nước và quốc tế, góp phần ghi danh Việt Nam trên bản đồ thế giới về công nghiệp số.
Doanh nghiệp công nghệ số đã được xác định là lực lượng nòng cốt, tiên phong xung kích chuyển đổi số. Vì thế, việc lựa chọn các doanh nghiệp công nghệ số uy tín, xuất sắc có thể đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và kết nối hợp tác toàn cầu càng có ý nghĩa quan trọng.
Thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực. Theo đó, doanh thu công nghiệp công nghệ số Việt Nam 9 tháng năm 2024 đạt 118 tỉ USD, tăng 17,78% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghiệp số là 6,64 tỉ USD, tăng 9,86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả đáng ghi nhận, ngày 21/09/2024, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) công bố các "TOP 10 doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam" 2024 lần thứ 11.
Chương trình thu hút sự tham gia của 192 đề cử từ 140 doanh nghiệp trên khắp cả nước. Qua 3 vòng đánh giá, Ban tổ chức ghi nhận thành tích xuất sắc của 81 lượt doanh nghiệp tại 22 lĩnh vực, trong đó có 11 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.
Đây là những doanh nghiệp uy tín, đạt được những thành tựu lớn về doanh thu, có năng lực công nghệ xuất sắc, mà còn cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, quan tâm đến phát triển xanh và bền vững.
Đại diện VINASA nhấn mạnh, sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tạo nền tảng từ việc sở hữu, phát triển, ứng dụng những công cụ công nghệ tiên tiến, và phát triển được lực lượng chuyên gia, kỹ sư CNTT xuất sắc. Đặc biệt, nhiều công ty đã có những sản phẩm AI được cấp bằng sáng chế, đạt nhiều giải thưởng quốc tế.
Thời gian qua, các doanh nghiệp công nghệ số không chỉ đảm nhận trách nhiệm trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, mà còn là những người tiên phong trong chiến lược ‘Go global’ và sáng kiến "Make in Viet Nam" - sáng tạo ra những sản phẩm, giải pháp công nghệ Việt Nam để giải quyết các vấn đề trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, trong tương lai, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam, như công nghiệp bán dẫn và chuyển đổi xanh - thông minh.
Để duy trì được tốc độ phát triển, để nền kinh tế phát triển bền vững, Việt Nam đã và đang xác định những phương thức mới, động lực mới cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp công nghệ số đang tiên phong trong chuyển đổi xanh, phát triển giải pháp liên quan đến quản trị sản xuất, quản trị môi trường, kiểm kê…
Minh An (t/h)