Thời đại mới đang mở ra những cơ hội to lớn và điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam phát huy tài năng và nhiệt huyết của mình để phục vụ dân tộc, phụng sự nhân dân.
Cách nay gần sáu chục năm, thời chúng tôi đội mũ rơm đi học cấp I dưới lòng hào giao thông, làng tôi có một gia đình vừa là “trí thức tiểu tư sản”, vừa là tiểu thương “kinh tế tư nhân”, khiến con cháu của họ khốn đốn một thời gian dài, phải bằng mọi cách phấn đấu để cải tạo lý lịch. Đó là gia đình mệ Lụa ở xóm Biền.
Xin mở ngoặc giải thích ngoài lề một chút: Miền Trung quê tôi gọi bà là mệ, rất kính trọng; cô thì gọi là o, rất thương mến; còn biền là bãi đất ven sông. Xóm Biền là xóm nằm ngoài bãi sông, chỉ có hơn chục nóc nhà, tất cả đều đứt bữa quanh năm. Nhà mệ Lụa đỡ hơn một chút vì chồng mệ là trí thức thời Tây, sau năm 1945 đi theo Việt Minh dạy bình dân học vụ, rồi trở thành ông giáo làng gõ đầu trẻ. Còn mệ Lụa giỏi trồng dâu nuôi tằm, quay tơ bán cho dân buôn chuyến về chợ Ba Đồn, nên cũng có đồng ra đồng vào...
Cái đận cải cách ruộng đất, chồng mệ Lụa bị gán cho tội đi theo Quốc dân đảng, biểu hiện là biết tiếng Tây và tàng trữ nhiều sách Tây. Đang đêm mưa gió, ông ấy bỏ trốn, bị dân quân rượt đuổi nhưng không bắt được. Có tin đồn là ông đã bị dân quân miền ngược thủ tiêu, vì có lệnh truy nã của huyện. Đến kỳ sửa sai, lại có tin ông đã trốn thoát ra Hà Nội, được bạn bè thời cùng học trường Tây giúp đỡ qua đận cam go. Nhưng ông thề không quay về làng nữa.
Hồi đó, tôi chưa sinh nên sau này chỉ nghe dân làng thì thào như thế. Nhưng mệ Lụa thì tôi biết rõ. Nghe nói hồi xưa mệ đẹp lắm. Đẹp như thế nào tôi không biết. Đến thời chúng tôi đi học thì mệ Lụa đã già, nhưng trong tâm trí tôi, chưa thấy ai trong làng đẹp lão, hiền từ, phúc hậu như mệ Lụa.
Dân làng tôi đa phần làm nông, gieo trồng lúa ngô, khoai sắn. Khi Nhà nước hô hào “Hợp tác hóa”, cả làng nhất loạt tham gia. Nhà mệ Lụa cũng vô hợp tác xã. Nhưng cả đời mệ chỉ biết mỗi nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ… Đến như con cái của mệ cũng đặt tên là Tằm, là Kén. Vì vậy tuy vô hợp tác xã, nhưng mệ Lụa vẫn lẳng lặng một mình một nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ bán cho thuyền buôn. Trong con mắt của dân làng, mệ Lụa là thành phần chậm tiến, làm ăn cá thể, cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
O Kén là con gái út của mệ Lụa, lớn hơn tôi một con giáp, là thanh niên tiên tiến, là xã viên tích cực, là nữ dân quân bắn giỏi... Mười tám tuổi, o làm đơn xin đi Thanh niên xung phong, nhưng bị trả đơn về. O nỗ lực phấn đấu mãi vẫn không được kết nạp đoàn viên, vì cái nghi án lý lịch của cha và cái tội làm kinh tế tư nhân của mẹ. Tháng Tư năm ấy, đang giữa mùa tằm ăn rỗi thì tự nhiên mấy nong tằm của mệ Lụa lăn ra chết rụi. Rồi mệ Lụa cũng qua đời gần như đột tử. Đang đêm mệ kêu váng đầu, hoa mắt, đau bụng… rồi nôn thốc nôn tháo. Người nhà vội khiêng về trạm xá, nhưng nửa đường thì mệ tắt thở ngay trên võng…
Mệ Lụa qua đời, nhà không còn ai làm kinh tế tư nhân nữa, nên o Kén được kết nạp Đoàn, rồi được đi dân công hỏa tuyến ở Trường Sơn. Sau ngày đất nước thống nhất, o vô Huế tiếp tục công tác và lập gia đình. Nghe nói sau này o cùng chồng con về cải táng xây mộ cho mệ Lụa, trong một nghi thức tâm linh đòi hỏi sự thành tâm tuyệt đối, bí ẩn về nong tằm và cái chết của mệ Lụa được hé ra. Rằng là năm ấy, chính o Kén đã ăn cắp một nhúm thuốc trừ sâu “sáu sáu” (DDT-666) ở nhà kho hợp tác xã, mang về lén rắc vô nong tằm để tiệt trừ kinh tế tư nhân. Mệ Lụa tiếc của, bắt mấy con tằm còn ngo ngoe xào ăn... Chuyện động trời tối mật như thế, đến mấy bà quen ngồi lê thóc mách cũng chỉ nhấm nháy bóng gió, chẳng ai dám công khai bàn tán. Với lại, chuyện cũng đã theo người thiên cổ cả rồi...
Ấy là nỗi đau âm ỉ của một thời mông muội, ấu trĩ, cực đoan... Cái thời mà trí thức và doanh nhân bị nhốt chung với địa chủ chúa đất và cường hào ác bá, bị coi là những thành phần cần được xóa bỏ và cải tạo. Thậm chí, có nơi còn nêu thành khẩu hiệu cách mạng: “Trí, phú, địa, hào – đào tận gốc, trốc tận rễ”.
***
Nay thì khác hẳn rồi! Công cuộc đổi mới và hội nhập đã trả lại vị thế và tôn vinh đúng giá trị cao quý của tầng lớp tinh hoa đất nước. Chưa bao giờ trí thức và doanh nhân Việt Nam được coi trọng và đề cao như hiện nay. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam được coi là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận xây dựng và phát triển kinh tế. Đảng và Nhà nước ta đã chọn ngày 13/10 hằng năm là Ngày doanh nhân Việt Nam. Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã ra Nghị quyết chuyên đề về Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước. Ngày nay, chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền kinh tế tri thức, coi tri thức là một lực lượng sản xuất đặc biệt để phát triển kinh tế.
Thời đại mới đang mở ra những cơ hội to lớn và điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam phát huy tài năng và nhiệt huyết của mình để phục vụ dân tộc, phụng sự nhân dân.
Ngẫm lại lịch sử dân tộc và thực tiễn cách mạng nước ta, thấy rõ những nét tương đồng giữa các doanh nhân và trí thức Việt Nam. Có lẽ đó cũng là một trong những căn nguyên mà hai tầng lớp này thường được “cặp đôi” khi bị rẻ rúng cũng như khi được đề cao. Điều này, theo tôi là do bản chất văn hóa của hai khái niệm Trí thức và Doanh nhân.
Ngày nay, ai cũng thừa nhận kinh doanh phải có văn hóa thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Nói cách khác, văn hóa là cái gốc của hoạt động sản xuất và kinh doanh, cũng tức là yếu tố thành bại của mỗi doanh nghiệp và doanh nhân. Trong xã hội phát triển, thì khái niệm doanh nhân không chỉ là một danh từ để chỉ những người làm nghề kinh doanh, mà còn là một tính từ để chỉ một giá trị văn hóa. “Nhà buôn” khác “con buôn” ở chỗ: Trong tài sản hữu hình và vô hình của họ, có giá trị văn hóa ấy.
Có rất nhiều định nghĩa về “trí thức”, nhưng tôi thích nhất là định nghĩa của một học giả Pháp, cho rằng: “Một người sáng chế ra những quả bom nguyên tử ngày càng tinh vi, có sức công phá phi thường, thì đó chỉ là một nhà khoa học. Nhưng nếu cũng nhà khoa học đó, khi ý thức được sự nguy hiểm khôn lường của thứ vũ khí ấy, đã lên tiếng đòi giải trừ vũ khí hạt nhân, chống chạy đua vũ trang, tích cực tham gia các hoạt động vì hòa bình, thì đó là nhà trí thức”. Như vậy, nhà trí thức không phải là người có khối lượng kiến thức uyên bác, mà là người có thái độ mang tính văn hóa và trách nhiệm xã hội cao khi sử dụng những kiến thức uyên bác của mình. Người Việt gọi những nhân vật như thế là sĩ phu, kẻ sĩ.
Tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc là một truyền thống lâu đời của nhân dân Việt Nam. Trí thức và doanh nhân Việt Nam là những người lao động trí óc, có tri thức, có văn hóa nên tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của họ được nhân lên một tầng nấc cao bởi ý thức tự giác, mang dấu ấn lịch sử và thời đại.
Thế hệ doanh nhân và trí thức Việt Nam ra đời từ những thập niên đầu thế kỷ 20 đều chung một số phận làm dân mất nước, chung một kẻ thù thực dân xâm lược và chế độ phong kiến hủ bại. Chính vì vậy, trong các cuộc vận động cách mạng đầu thế kỷ XX và đặc biệt từ khi có Đảng lãnh đạo, tầng lớp doanh nhân và trí thức Việt Nam luôn luôn sát cánh cùng các tầng lớp khác trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong phong trào vận động cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và sau này là cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đại đa số trí thức Việt Nam hồi đó đều đi theo cách mạng, theo Đảng và Bác Hồ. Không chỉ trí thức trong nước mà nhiều trí thức Việt kiều danh tiếng ở nước ngoài cũng từ bỏ phồn hoa để trở về nước tham gia kháng chiến. Đây là một hiện tượng đặc biệt của trí thức Việt Nam và sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
***
Doanh nhân và trí thức Việt Nam tương đồng về tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc, vì họ có chung số phận, có chung kẻ thù. Đây là điểm mạnh nhưng cũng là nguồn gốc sâu xa của những hạn chế của trí thức và doanh nhân Việt Nam mà càng về sau này càng bộc lộ rõ. Xuất thân từ một dân tộc bị nô lệ, được đào tạo để trở thành những doanh nhân và trí thức của một nước thuộc địa phục vụ cho chính sách thực dân; bởi vậy những biểu hiện yếu ớt, cầu an, khôn vặt… là căn tính của trí thức và doanh nhân Việt Nam.
Những hạn chế ấy, lại cộng hưởng bởi những quan niệm và ứng xử cực đoan của xã hội trước đây, đã dẫn đến việc tự mình làm nhỏ bé mình của một bộ phận không nhỏ trí thức và doanh nhân Việt. Không ít doanh nhân làm ăn chỉ dựa trên những kẻ hở của pháp luật, thậm chí là cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi. Một số khác thì sản xuất, kinh doanh bằng những mánh lới, góp phần vẽ nên một hình ảnh thiếu thiện cảm về những “ông chủ”. Còn với một bộ phận trí thức, không ít người bị công chức hóa sâu sắc, thậm chí có người phấn đấu học hàm học vị chỉ để tiến thân làm quan chức, hoặc là xum xoe xung quanh các quan chức, làm ô nhiễm môi trường trí thức chân chính.
Rõ ràng trong thời đại mới, cần phải nhanh chóng khắc phục những nhược điểm trên đây. Trước hết là tình trạng công chức hóa trí thức hiện nay, khôi phục và phát huy phẩm chất kẻ sĩ của người trí thức Việt Nam trong công cuộc hội nhập và phát triển đất nước, đặt người trí thức đúng với vị trí của họ trong xã hội, tạo điều kiện đầy đủ cho họ thực hiện tốt thiên chức của mình.
Nhà thơ Mai Nam Thắng
PGS. Phan Trọng Thưởng, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, có lần phát biểu: “Thật là lý tưởng nếu chúng ta thực hiện được việc trí thức hóa đội ngũ cán bộ công chức, trí thức hoá các nhà doanh nghiệp và các nhà quản lý”. Quả thực, điều đó đang là một đòi hỏi của đất nước, của xã hội, nhưng hiện tại đó là điều đang hết sức khó khăn, vô cùng nan giải. Khi chúng ta chưa có một đội ngũ trí thức thật sự đúng nghĩa phẩm chất trí thức, thì làm sao có thể nói chuyện trí thức hoá Đảng và trí thức hóa công chức nhà nước?
Chính vì vậy Đảng ta mới phải có nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới. Đây là công việc của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Thiết nghĩ, với những nét tương đồng như vừa trình bày trên đây, thì đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau để cùng phát triển và đồng hành với sự nghiệp cách mạng.
Khái niệm “Kinh tế tri thức” chính là một cách hiểu khác về một nền kinh tế thị trường mà trong đó vai trò của đội ngũ trí thức, trước hết là trí thức công nghệ và văn hóa, đóng vai trò quyết định. Theo đó, để có thể đứng vững và phát triển trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường, ngoài những hiểu biết về nghiệp vụ quản lý sản xuất và kinh doanh, các doanh nhân cũng rất cần phải có hiểu biết về văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân.
Không ai tham gia đạt hiệu quả hơn đội ngũ trí thức khi họ hỗ trợ cho các doanh nhân trang bị cho mình những phẩm chất cần thiết trên đây. Và ngược lại, cùng với những chính sách đãi ngộ của Nhà nước, thì sự hỗ trợ trực tiếp của các doanh nghiệp và doanh nhân cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân tài ở từng lĩnh vực, từng đơn vị và địa phương là hết sức thiết thực và hiệu quả.
Cao hơn nữa, các doanh nhân phải tham gia vào chiến lược đào tạo, sử dụng và trọng dụng nhân tài. Mỗi doanh nghiệp phải là một địa chỉ đầu ra cho nguồn nhân lực và sản phẩm công nghệ của các trường đại học và viện nghiên cứu. Đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Về phía các doanh nghiệp, việc tham gia vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư phát triển sẽ khiến họ có thêm quyền và cơ hội lựa chọn các sản phẩm có chất lượng cao. Cùng đó, doanh nghiệp còn có cơ hội và điều kiện để quảng bá hình ảnh của mình với xã hội. Về phía các trường đại học, sự hợp tác này sẽ là động lực góp phần thúc đẩy chất lượng đào tạo; nhất là góp phần phát hiện, phát triển và trọng dụng nhân tài cho doanh nghiệp, cho đất nước; đồng thời giúp nhà trường tăng tự chủ hơn về tài cính, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư… Sự hợp tác này còn góp phần kiềm chế nạn thất nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế thị trường theo hướng kinh tế tri thức và phát triển bền vững.
Khi xã hội đạt được một cơ chế tương hỗ biện chứng như trên, thì nền kinh tế tri thức không còn là một khái niệm xa vời. Và khát vọng trí thức hóa Đảng, trí thức hóa đội ngũ cán bộ công quyền, trí thức hoá tầng lớp doanh nhân... hoàn toàn có cơ sở lý luận và thực tiễn để trở thành hiện thực.