Doanh nghiệp Thanh Hóa chủ động, linh hoạt tìm kiếm thị trường
Doanh Nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải đối diện với những khó khăn do thiếu nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng trong khi thị trường tiêu thụ chưa phục hồi rõ nét. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, sáng tạo, các doanh nghiệp đã chủ động trong sản xuất kinh doanh, giữ vững thị trường.

Doanh nghiệp Thanh Hóa chủ động, linh hoạt tìm kiếm thị trường- Ảnh 1.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, trong tháng 8 năm 2024, toàn tỉnh có 138 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 816,9 tỷ đồng, tăng 20,8%. 

Tuy nhiên, trong tháng 8, Thanh Hóa có tới 39 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp còn hết sức khó khăn dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc thông báo giải thể. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động, linh hoạt xây dựng các kế hoạch, chiến lược kinh doanh cụ thể, tập trung ổn định sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, giữ ổn định việc làm cho người lao động.

Mỗi tháng, Hợp tác xã chế biến lâm sản Hợp Phát, huyện Quan Hóa sản xuất được khoảng 600 tấn giấy, vàng mã từ tre luồng để xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc. Do nguyên liệu cho sản xuất thiếu, đơn giá sản phẩm giảm mạnh, chỉ bằng 50% so với đầu năm 2023 nên thời gian qua, đơn vị chỉ duy trì đạt 2/3 công suất. Đơn vị, luôn cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ công nhân tay nghề cao, để khi thị trường thay đổi không bị thiếu hụt nguồn nhân lực. Đồng thời, cũng luôn chủ động, linh hoạt tìm kiếm thị trường mới, duy trì ổn định thị trường cũ.

Doanh nghiệp Thanh Hóa chủ động, linh hoạt tìm kiếm thị trường- Ảnh 2.

Công ty TNHH Triệu Thái Sơn là đơn vị chuyên sản xuất ván ép xuất khẩu. Hiện nay, công ty có 3 cơ sở tại huyện Thọ Xuân và Triệu Sơn, đang tạo việc làm cho 1 nghìn lao động địa phương. Trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu 200 container hàng hóa đi Mỹ với khoảng 9 nghìn khối ván ép. Trước những khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước, cộng thêm chi phí vận tải tăng và căng thẳng ở Biển Ðỏ đã làm gián đoạn hoạt động vận tải thương mại thế giới và có tác động không nhỏ tới sản xuất kinh doanh của công ty.

Để có thể xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Mỹ, doanh nghiệp đã phải nỗ lực rất lớn trong việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo máy móc, nhân lực, chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí để cạnh tranh về giá cả, kiểm soát nghiêm ngặt nồng độ Formaldehyde ở ngưỡng cho phép trong các sản phẩm, an toàn cho sức khỏe.

Doanh nghiệp Thanh Hóa chủ động, linh hoạt tìm kiếm thị trường- Ảnh 3.

Ông Yong See Leng, Giám đốc điều hành nhà máy, Công ty TNHH Dầu thực vật khu vực miền Bắc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Từ năm 2023 đến 6 tháng năm 2024 là cả một thách thức cho ngành dầu ăn do lạm phát tăng cao, người tiêu dùng tiết kiệm, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào thị trường thương mại. Tuy nhiên, sản phẩm của chúng tôi luôn chú trọng đến chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tập trung chủ yếu ở phân khúc khách hàng cao cấp nên chúng tôi rất tự tin về sản phẩm của mình. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này chúng tôi đã thực hiện cắt giảm chi phí và tiết kiệm, chủ động tài chính. Hiện tại, chúng tôi đang được sự hỗ trợ của một số doanh nghiêp Nhật Bản trong việc mở rộng thị trường và mang lại nhiều mặt hàng mới.

Doanh nghiệp Thanh Hóa chủ động, linh hoạt tìm kiếm thị trường- Ảnh 4.

Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp, cũng gặp không ít khó khăn do vướng mắc về quy định kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; nguyên liệu đầu vào thiếu, giá tăng cao, phải cạnh tranh gắt gao với sản phẩm cùng loại của một số nước tại các thị trường lớn. Hiện tại, nguồn nguyên liệu trong tỉnh mới đáp ứng được khoảng 30% - 50% nhu cầu sản xuất, số còn lại phải thu mua tại các tỉnh ngoài. Các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp vừa đảm bảo giữ vững vùng cung ứng nguyên liệu, vừa ổn định sản xuất, tìm kiếm và phát triển thị trường, đảm bảo tiến độ giao hàng cho đối tác.

Doanh nghiệp Thanh Hóa chủ động, linh hoạt tìm kiếm thị trường- Ảnh 5.

Trong khó khăn, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã linh hoạt, thích nghi với biến động của thị trường, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như vừa tính toán, chủ động dự trữ nguyên vật liệu đảm bảo sản xuất, vừa tăng cường đàm phán, thương lượng với đối tác khách hàng; vận dụng tốt các chính sách ưu đãi về thuế, tiết giảm tối đa các chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. 

Đồng thời, tiến hành điều tra kỹ về thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp, áp dụng hình thức kinh doanh mới hoặc sẵn sàng đảm nhận đơn hàng nhỏ lẻ, khai thác nguyên liệu trong tỉnh, trong nước. Với những nỗ lực đó, 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Thanh Hoá tăng 15,8% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt ước đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Vừa qua, để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản triển khai thực hiện các chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024. 

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp nhu cầu, lập dự toán kinh phí hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, gửi về Sở Tài chính để thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định… Với chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh, các doanh nghiệp sẽ phải chủ động, linh hoạt và sáng tạo để phát triển ổn định và bền vững.

Yến Hoàng